Việt Nam hoàn toàn chủ động trên ‘sân chơi’ đặc khu kinh tế

Thứ năm, 17/05/2018 16:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mới đây, tại Hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018",Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã cho biết các thông tin liên quan đến việc thông qua Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt và thành lập 3 đặc khu kinh tế.

Cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh

Theo đó, Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5, dự kiến diễn ra từ ngày 21/5-18/6. Luật được xây dựng trên quan điểm tận dụng tối đa nguồn lực của đất nước, tạo lập cơ chế vượt trội, mang tính cạnh tranh với các nước trên thế giới và khu vực.

“Chủ trương xây dựng Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt khẳng định quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong thay đổi tư duy, thống nhất, mạnh dạn, chủ động tạo ra một sân chơi mới, luật chơi mới, thể chế mới mang tầm quốc tế ngay chính trên lãnh thổ Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Với chủ trương đó, 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) được kỳ vọng trở thành các cực tăng trưởng, mang tính ổn định, tạo môi trường sống và làm việc năng động, hiệu quả, hiện đại; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tạo động lực lan tỏa đến các khu vực xung quanh và toàn bộ nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã xác định lợi thế so sánh với khu vực và quốc tế; rút ra những bài học thành công và thất bại của các đặc khu kinh tế khác; đánh giá tác động trong cả ngắn hạn và dài hạn; từ đó, xác định tầm nhìn chiến lược và hoạch định chính sách và mục tiêu của các đặc khu.

“Các đặc khu được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản và cốt yếu. Đó là không trái với Hiến pháp; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia; không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Bảo đảm thịnh vượng về kinh tế nhưng phải đồng hành với bảo vệ môi trường, công bằng xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân”.

Bên cạnh đó, với mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tính nhất quán và ổn định lâu dài được thể hiện trong Luật và các chính sách khác của đặc khu là một trong các yếu tố để các nhà đầu tư yên tâm “bỏ vốn” trong thời gian dài.

Ngoài ra, các yếu tố như: Có tính vượt trội so với các khu vực khác trong nước và quốc tế; có bộ máy tổ chức tinh gọn và hiệu quả; tăng cường phân cấp phân quyền, đặc biệt là thẩm quyền của những người đứng đầu đặc khu… cũng phải được bảo đảm.

“Với những chuẩn bị chu đáo, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đến nay Luật này đã đạt được chất lượng để thu hút được đầu tư, bảo đảm tính khả thi và thành công của các đặc khu sau khi được Quốc hội thông qua”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, tại Kỳ họp thứ 6 cuối năm 2018, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Nghị quyết thành lập 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho biết, hiện tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã và đang có những bước chuẩn bị cho việc trở thành các đặc khu kinh tế của Việt Nam.

“Chúng tôi kỳ vọng sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ nhanh chóng đưa Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt vào thực tế cuộc sống, biến 3 khu vực này trở thành 3 cực tăng trưởng của đất nước”, ông Hùng bày tỏ.

Theo ông Đào Văn Hùng, việc xây dựng 3 đặc khu kinh tế là rất cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với các nước trong khu vực và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)