Thêm hướng đi tích cực cho thị trường bất động sản

Thứ sáu, 10/01/2020 11:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với cơ chế thị trường như hiện nay thì các thương vụ M&A là rất cần thiết để tạo nên một thị trường có tính minh bạch cao và dòng vốn dồi dào.

Dự án BIDHomes The Garden Hill Tower tại số 99 Trần Bình

Thị trường bất động sản (BĐS) đang dần ổn định, nhiều dự án dự kiến được tung ra thị trường vào thời điểm đầu năm 2020 sẽ làm cho nguồn cung khá dồi dào ở nhiều phân khúc. Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào lĩnh vực này đang có xu hướng giảm. Chính vì vậy, sự kiện VINA - M&A được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3/2020 được hy vọng sẽ là một “cú hích” mạnh mẽ để thúc đẩy dòng vốn vào lĩnh vực này.

Được khởi đầu từ năm 2007, sự kiện này đã được tổ chức thường niên tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tokyo, HongKong và Singapore, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư thực chất có giá trị lớn vào Việt Nam, các hợp tác liên doanh liên kết góp phần phát triển kinh tế.

Dự kiến VINA - M&A 2020 sẽ thu hút các tập đoàn tư nhân lớn đã và đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đến từ các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, UAE, Australia, Mỹ, và các quốc gia thuộc EU.

Bên cạnh đó, còn có sự tham gia các hiệp hội doanh nghiệp, lãnh sự và tham tán tại Việt Nam của nhiều quốc gia; đại diện các bộ, ban, ngành và các đơn vị liên quan, UBND 63 tỉnh thành; các ngân hàng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

VINA - M&A 2020 cũng sẽ quy tụ nhiều doanh nhân và chuyên gia về kinh tế tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài. Diễn đàn này sẽ bàn thảo các vấn đề vốn và chuyển nhượng vốn, tình hình thị trường và cung - cầu trong lĩnh vực BĐS. Đồng thời, tập trung kết nối các tập đoàn, các quỹ đầu tư có nhu cầu đầu tư thực sự vào Việt Nam với các doanh nghiệp, tổ chức, dự án trong nước có nhu cầu gọi vốn, tìm đối tác liên doanh liên kết thông qua hoạt động góp vốn, mua bán sáp nhập (M&A).

Thực tế cho thấy, hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS đã đem lại hiệu quả khá tích cực.

Ví dụ, người ta đ đã biết đến dự án Daewoo Cleve (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty TNHH Hi Brand (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Đây là dự án gây chú ý thị trường tại thời điểm ra mắt vào cuối năm 2011, thời điểm thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, chủ đầu tư đưa ra mức giá lên tới 30 triệu đồng/m2 cùng chiêu khuyến mại độc đáo là cho khách hàng vay đến 25% giá trị căn hộ với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, việc chọn sai thời điểm ra hàng khi phân khúc căn hộ cao cấp đang khủng hoảng thừa, cùng lúc với việc công ty mẹ tại Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn về tài chính, khiến cho dự án này phải đắp chiếu trong thời gian dài.

Sau hai lần điều chỉnh thiết kế, phải đến tháng 5/2017, dự án này mới chính thức rục rịch khởi động lại, nhưng dưới danh nghĩa của một chủ đầu tư khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Thế kỷ (CEN Group) thông qua thỏa thuận hợp tác giữa đơn vị này và chủ đầu tư. Theo đó, CEN Group sẽ tái khởi động hợp phần H-CT2 trước khi tính tới việc mua lại và triển khai nốt 2 tòa CT2A và CT2B đang bị treo của Hi Brand.

Tương tự, dự án BIDHomes The Garden Hill Tower tại số 99 Trần Bình cũng đã được tung ra thị trường. Đây không phải là dự án mới, mà đã được ra mắt thị trường từ năm 2010 do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư với tên gọi Tòa nhà đa năng Đức Phương. Tuy nhiên, dự án liên tục gặp rắc rối liên quan đến huy động vốn với đối tác là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà đô thị Hà Nội, khiến cho dự án rơi vào đói vốn và nằm “đắp chiếu” suốt gần 7 năm.

Đến năm 2015, Công ty Đức Phương bán cổ phần cho BIDGroup và dự án chính thức thuộc về BIDGroup. Về với chủ mới, dự án được đổi tên thành The Garden Hill Tower và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất thuê 50 năm sang đất ở lâu dài. Đồng thời, cũng tiến hành phối hợp mở rộng con đường đi vào dự án và nâng cấp thiết kế của tòa nhà lên thành cao cấp.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam (đơn vị môi giới cho nhiều thương vụ M&A dự án BĐS) chia sẻ, việc nhiều dự án gặp khó khi muốn “hồi sinh” xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sản phẩm dự án bị lỗi thiết kế, chọn sai phân khúc, không thể thay đổi được, đến những rắc rối về pháp lý… Tuy nhiên, bài toán khó nhất và quan trọng hơn cả chính là việc dung hòa lợi ích với những khách hàng cũ của dự án.

Thực tế, các chủ đầu tư mới đều phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ để đưa ra những phương án khắc phục hợp lý nhất để có được sự đồng thuận của khách hàng cũ, nhưng vẫn phải đảm bảo lợi nhuận - mục tiêu kinh doanh, ông Cần nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNRea) cho rằng, dù quá trình tái khởi động dự án treo còn nhiều vướng mắc, nhưng đây là “nguồn tài nguyên” lớn để thị trường M&A tiếp tục sôi động.

Vì thế, việc các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh M&A dự án đang là một bài toán đa lợi ích. Điều này giúp bên thâu tóm giảm bớt được chi phí và thời gian xây dựng dự án mới, còn bên bán giải quyết được bài toán tài chính. Đặc biệt, các dự án “chết lâm sàng” sẽ được hồi sinh, giải phóng lượng tồn kho BĐS lớn.

Có thể khẳng định, với cơ chế thị trường như hiện nay thì các thương vụ M&A là rất cần thiết để tạo nên một thị trường có tính minh bạch cao và dòng vốn dồi dào.


Theo Thời báo ngân hàng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)