Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những kết quả rất tích cực trong xuất khẩu năm 2017. Trong điều kiện không ít khó khăn, nhưng Việt Nam đã đạt được kỷ lục về xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội giao. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế.
“Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, xuất khẩu của Việt Nam còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cả về quy mô, chất lượng và giá thành sản phẩm; cả về cơ cấu hàng hoá xuất khẩu; cả về những khó khăn trong tạo dựng thị trường xuất khẩu bền vững cho sản phẩm xuất khẩu; cả về tổ chức hoạt động xuất khẩu, kết nối giữa sản xuất, chế biến với xuất khẩu; cả về thế chế, chính sách liên quan đến xuất khẩu”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Để khắc phục những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt, thúc đẩy xuất khẩu, tạo điều kiện phát triển sản xuất, góp phần nhiều hơn cho tăng trưởng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Ưu tiên hỗ trợ những ngành có lợi thế, liên quan đến nhiều người dân
Trước hết, phải tạo các sản phẩm cho xuất khẩu. “Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trước hết cần xác định rõ những sản phẩm có lợi thế của Việt Nam, có thị trường nhưng còn khó khăn, cần quan tâm tháo gỡ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh, có khả năng tạo giá trị gia tăng lớn, liên quan đến rất nhiều người dân, nhưng việc kiểm soát bảo đảm các tiêu chuẩn của nông lâm thuỷ sản; công tác thị trường còn rất khó khăn. Do đó, đây là lĩnh vực phải được quan tâm hỗ trợ phát triển.
Lĩnh vực thứ hai cần quan tâm là dệt may, da giày vì liên quan đến rất nhiều người lao động, cũng là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Hiện giá trị gia tăng của loại sản phẩm này tuy đã được nâng nên nhưng còn hạn chế với hàm lượng nội địa chưa cao, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải tập trung để tái cấu trúc sản xuất, đi đôi với lựa chọn mô hình sản xuất hợp lý, đặc biệt là tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, gắn với nhu cầu của thị trường, gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường… để tạo ra những sản phẩm có quy mô phù hợp, từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất theo phong trào.
“Phải kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, đặc biệt là kiểm soát chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của quá trình xuất khẩu; gắn sản xuất, thu hoạch với chế biến sâu, bảo quản để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam; các địa phương kiểm soát chặt chẽ tình hình đánh bắt hải sản, đặc biệt là đánh bắt trái phép, làm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, sản phẩm xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các sản phẩm xuất khẩu như da giày, may mặc, máy tính, điện thoại di động, điện tử, ô tô; cho nông sản (giống, thức ăn, phân bón…) nhằm tăng giá trị sản xuất trong nước; có các giải pháp giảm chi phí logistics nhằm giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam xuất khẩu.
Đàm phán FTA bảo đảm lợi ích doanh nghiệp
Đối với nhóm giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan chủ động đàm phán mở rộng thị trường, đồng thời giữ vững các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Cần đẩy mạnh tiến độ để ký kết các hiệp định đã đàm phán. Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các hiệp định đã có. Đàm phán các FTA mới theo hướng bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp; phòng chống gian lận thương mại; gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ xuất khẩu; nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, giúp hỗ trợ các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn xu hướng bảo vệ thương mại ngày càng gia tăng”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Yêu cầu tổ chức lại thị trường trong nước gắn với kiểm soát chặt chẽ hàng hoá nhập khẩu cũng được Phó Thủ tướng nêu ra nhằm giảm áp lực cho tiêu thụ hàng hoá sản xuất trong nước khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.
“Gắn kết các chuỗi liên kết về chế biến, xuất khẩu theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm động lực chính và vai trò quản lý, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành”, Phó Thủ tướng nói.
Chính phủ cam kết ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Đối với nhóm các giải pháp hỗ trợ cho sản xuất, xuất khẩu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành cần rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân để có các giải pháp khắc phục hiệu quả.
“Các bộ cần ưu tiên cải cách thể chế liên quan đến sản xuất, xuất khẩu như điều kiện, thuế, phí, cơ chế hỗ trợ… Cùng với đó, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường làm căn cứ để tổ chức sản xuất, điều chỉnh tổ chức sản xuất phù hợp”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị cần sớm có các biện pháp bảo đảm vốn cho đầu tư sản xuất, xuất khẩu. Vốn ngân sách đáp ứng nhu cầu một phần cho đầu tư hạ tầng “bên ngoài”, vốn doanh nghiệp, vốn người dân tập trung đầu tư “bên trong”, đầu tư sản xuất kinh doanh.
“Chính phủ có chiến lược đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Đối với những vấn đề, kiến nghị mà Bộ Công Thương đã thống kê được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương, VPCP để chọn lọc, những vấn đề thuộc bộ, ngành nào sẽ giao cho bộ, ngành đó xử lý; những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo chinhphu.vn