Tháng 5: Sẽ giải quyết dứt điểm các vướng mắc địa ốc

Thứ tư, 22/05/2019 11:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ủy ban Nhân dân TPHCM đã có văn bản yêu cầu các sở ngành liên quan phải nhanh chóng nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp và Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tại Hội nghị gặp gỡ với giới bất động sản hồi tháng 4 năm nay.

Cao ốc số 8 Nguyễn Huệ (quận 1) đang được TPHCM cho thuê.

Những đơn vị liên quan phải “có văn bản trả lời trực tiếp cho doanh nghiệp. Những nội dung có thể tháo gỡ thì giải quyết theo quy định của pháp luật, những nội dung còn vướng mắc thì báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xem xét giải quyết dứt điểm trong tháng 5 năm 2019”, công văn đóng dấu “Khẩn” của UBND TPHCM chốt lại “hạn cuối”.

Trước đó, cuộc gặp gỡ hôm ngày 10/4/2019 đã ghi nhận hàng loạt kiến nghị của các doanh nghiệp, với không ít vướng mắc đã nhiều lần đề xuất từ trước đó.

Điển hình như kiến nghị của Công ty S.S.G 2 về xây dựng cầu dẫn đi bộ trên cao để kết nối các khu dân cư hiện hữu với nhà ga metro (Thảo Điền, quận 2). Dù là dự án doanh nghiệp tự nguyện đầu tư nhưng lại “mắc kẹt” khi 6 năm ròng không thể tự thương lượng bồi thường với… 3 hộ dân có đất trong lộ giới xây cầu. Nút thắt này dù đã được Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo UBND Quận 2 tháo gỡ, nhưng theo HoREA, Thành phố vẫn cần phải ra văn bản khẳng định dự án tuyến đường đi bộ trên cao kết nối với ga metro thuộc loại dự án phục vụ lợi ích công cộng, thuộc diện Nhà nước quyết định thu hồi đất. Từ đó Quận 2 mới “dám” thực hiện.

Tương tự, điểm nghẽn giải phóng mặt bằng tại các dự án của Công ty Phú Long cũng đã được giao cho “Sở Tài nguyên Môi trường hướng dẫn huyện Nhà Bè thủ tục cưỡng chế thu hồi đất” từ giữa tháng 2 năm nay nhưng tới tháng 4 vừa qua, vướng mắc này lại xuất hiện lần nữa trên bàn Hội nghị.

Hay như dự án Nhà ở xã hội (NOXH) của Công ty Lê Thành (An Lạc, quận Bình Tân) - là dự án NOXH cho thuê trả tiền hàng tháng đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân tự bồi thường giải phóng mặt bằng, tự thực hiện bằng vốn ngoài ngân sách - “lẽ ra rất đáng tuyên dương”, theo HoREA - nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được với các hỗ trợ chính sách như: được miễn tiền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được tính chi phí giải phóng mặt bằng vào tổng mức đầu tư để tính đơn giá NOXH cho thuê vì không phải là đất công, được đăng bộ để có thể vay vốn ngân hàng triển khai dự án.

Đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu còn đề xuất rà soát gấp hơn 30 dự án bất động sản còn đang trong diện “treo giò”, với nhận định “quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay tín dụng sẽ tăng thêm, cơ hội kinh doanh thì mất đi. Dự án bị ‘phanh’ lại cũng khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm, không có lợi cho cả ngân sách lẫn người mua nhà”.

Hoặc đề xuất Thành phố cho chỉ đạo “xử lý” hiện tượng các đại diện vốn nhà nước cứ “khất lần” kế hoạch tăng vốn tại các công ty cổ phần - nơi mà sở hữu nhà nước đang là cổ đông lớn - khiến cơ hội kinh doanh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp bị kìm hãm.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)