Vệt Nam có bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của Việt Nam xấp xỉ 0,01 (cứ 100km2 đất liền thì có 1km bờ biển), trung bình của thế giới là 600km2 đất liền thì có 1km bờ biển. Biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km. Trong đó, có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và 2.577 đảo lớn nhỏ, gần bờ và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển.
Trong 63 tỉnh, thành của cả nước thì 28 tỉnh, thành có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển, trong đó có Bến Tre. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển, đảo luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Đường biển nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông tạo điều kiện cho giao lưu quốc tế thuận lợi, phát triển ngành biển. Khí hậu biển là vùng nhiệt đới tạo điều kiện cho sinh vật biển phát triển, tồn tại tốt; có tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, quý hiếm.
Từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, Biển Đông trở thành cửa mở lớn để giao lưu giữa nước ta với thế giới. Đi đôi với đó thì việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biển, đảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Chỉ có xây dựng quản lý, bảo vệ biển, đảo mới tạo điều kiện, cơ sở cho giữ vững ổn định bên trong, ngăn ngừa hoạt động xâm nhập, phá hoại từ bên ngoài, tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước láng giềng, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia có nội dung toàn diện phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định mà Việt Nam đã ký với các nước có liên quan. Quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia bao gồm: bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển. Vùng biển bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo và quần đảo.
Quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là bảo vệ các quyền của quốc gia về biển phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định mà Việt Nam đã ký với các nước có liên quan. Đó là quyền của quốc gia về bảo tồn, quản lý, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng trời, các đảo và quần đảo.
Quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Diện tích biển của Việt Nam chiếm khoảng 29% Biển Đông. Việt Nam còn có chủ quyền với hàng ngàn hòn đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tài nguyên vùng biển và ven biển nước ta rất phong phú, đa dạng, phân bố rộng khắp trên dải đất liền, ven biển đến các vùng nước ven bờ, các hải đảo và các vùng biển. Cả nước có 63 tỉnh, thành phố thì có 28 tỉnh, thành ven biển, trong đó có 11 huyện đảo. Trên 50% số dân của nước ta sống ở các tỉnh ven biển. Đó vừa là những điều kiện khách quan thuận lợi để chúng ta phát triển đa dạng các ngành kinh tế biển, đồng thời cũng đặt ra những khó khăn trong quản lý, bảo vệ biển, đảo và khai thác lợi thế kinh tế từ biển, đảo.
Biển Đông là một biển lớn của Thái Bình Dương, nằm ở phía Đông lục địa Việt Nam, tiếp giáp với nhiều nước và vùng lãnh thổ. Vì vậy, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 22-9-1997 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhấn mạnh: “Vùng biển, hải đảo và ven biển là địa bàn chiến lược có vị trí quyết định đối với sự phát triển của đất nước, là tiềm năng và thế mạnh quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa”.
Theo baodongkhoi.vn