Phát triển Công trình Xanh về cơ bản là vấn đề tiết kiệm tài nguyên, tạo môi trường sống tốt cho con người. Hiện nay xu hướng trên thế giới đều tập trung vào tiết kiệm năng lượng (kể cả trong quá trình vận hành công trình và sản xuất VLXD) vì nhờ đó mà có thể cắt giảm lượng lớn khí thải CO2 trong thời gian dài vận hành công trình.
Trong lĩnh vực quy hoạch, khái niệm thiết kế đô thị bền vững (sustainable urban design) không chỉ là đô thị có nhiều màu xanh, nhiều cây xanh, mà còn phải là quy hoạch có địa điểm bền vững; bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo; tiết kiệm nguồn tài nguyên; bảo tồn đa dạng sinh thái, thân thiện môi trường…. Trong đó không thể thiếu các công trình sinh thái, Công trình Xanh, các thảm thực vật tạo nên một quần thể có khả năng tự duy trì và phát triển, có tác động qua lại với cuộc sống con người.
Như vậy có thể nói mục tiêu đô thị xanh, đô thị sinh thái chính là mục tiêu của phát triển bền vững.
Về tổ chức không gian trong quy hoạch chung xây dựng đô thị cần phải tận dụng các lợi thế về kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường và điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, thủy văn, khí hậu). Cấu trúc phát triển không gian đô thị phải được xác định trên cơ sở khung thiên nhiên của đô thị, các điều kiện hiện trạng, tiềm năng phát triển đô thị; phải đảm bảo đô thị phát triển bền vững, năng động, hiệu quả.
Quy hoạch đô thị phải tạo ra các không gian xanh, không gian mặt nước hài hòa giữa môi trường đô thị với thiên nhiên. Các không gian xanh cần có sự liên hệ mật thiết với nhau, kết nối giữa các công trình kiến trúc riêng lẻ với không gian xanh chung của mỗi khu vực, mỗi khu chức năng. Tỷ lệ đất dành cho không gian xanh cần đạt ở mức từ 25-40% tổng diện tích đất tùy từng khu vực, bao gồm cả cây xanh công cộng, cây xanh trong các khu nhà riêng biệt, cây trồng 2 bên vỉa hè, thảm cỏ…
Mỗi đơn vị ở được xây mới phải có tối thiểu một công trình vườn hoa (có thể kết hợp với sân thể thao ngoài trời và điểm sinh hoạt cộng đồng) phục vụ chung cho toàn đơn vị ở với quy mô tối thiểu là 5.000m2 (theo QCXDVN 01: 2008/BXD). Không gian xanh cần được kết nối với các không gian công cộng để tạo lập các không gian phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, giao tiếp và các hoạt động khác của người dân đô thị.
Đối với các diện tích mặt nước không thường xuyên có nước, cần phải có các giải pháp quy hoạch đảm bảo cảnh quan môi trường. Cần áp dụng công nghệ tưới tiêu tự động để tiết kiệm nước và tái sử dụng nguồn nước mưa, nước thải sinh hoạt đã qua xử lý để phục vụ tưới cây, rửa đường…
Trên các tuyến đường giao thông, tăng cường hệ thống cây xanh bóng mát hai bên đường. Tất cả các tuyến đường cấp phân khu vực trở lên đều phải trồng cây xanh đường phố, kết hợp với thảm thực vật xanh kết nối giữa đường giao thông và các công trình xây dựng.
Quy hoạch hệ thống đường giao thông đảm bảo tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí đi lại giữa các khu vực chức năng khác nhau trong đô thị. Các công trình dịch vụ đô thị phục vụ trong đơn vị ở (trường học, chợ…) cần đảm bảo bán kính phục vụ không quá 500m- 1000m để việc đi lại trong đô thị có thể giải quyết bằng đi bộ hoặc xe đạp, phương tiện giao thông công cộng. Hạn chế tối đa di chuyển bằng xe máy, ô tô cá nhân. Sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch như xăng sinh học, ga sinh học, các loại ô tô vận tải công cộng chạy điện.
Cần quy hoạch đường dành riêng cho người đi bộ và các phương tiện không gây ô nhiễm môi trường như xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch, xe đạp, xe đạp điện… Sử dụng công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác trong việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong điều hành, quản lý giao thông, cung cấp thông tin giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông, kiểm soát nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông…
Về quy hoạch hệ thống thoát nước cần tận dụng tối đa điều kiện địa hình tự nhiên trong việc quy hoạch thoát nước mặt và thoát nước thải sinh hoạt, sản xuất… Cần lựa chọn giải pháp công nghệ xử lý nước thải tiết kiệm năng lượng, chi phí vận hành, vệ sinh môi trường. Tận dụng tối đa hệ thống ao hồ tự nhiên, ao hồ nhân tạo phù hợp, xây dựng hồ điều hòa vừa tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái vừa tạo nguồn nước dự trữ phục vụ công tác vệ sinh môi trường, tưới cây… Tiết kiệm và giảm thất thoát nguồn nước sạch dùng cho sinh hoạt.
Đẩy mạnh công tác đánh giá tác động môi trường trong đồ án quy hoạch. Quy hoạch khu tập kết rác thải phải hợp lý, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi chọn địa điểm xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, phải nghiên cứu khả năng phục vụ cho liên vùng các đô thị gần nhau, tạo thuận lợi cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giảm nhu cầu chiếm đất và ô nhiễm môi trường. Các cơ sở xử lý chất thải rắn của đô thị phải được bố trí ở ngoài phạm vi đô thị, cuối hướng gió chính, cuối dòng chảy. Xung quanh cơ sở xử lý chất thải rắn phải trồng cây xanh cách ly. Công nghệ xử lý chất thải rắn không được gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt và môi trường không khí xung quanh. Để ứng dụng công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, rác thải cần được tổ chức phân loại tại nguồn: (1) rác thải hữu cơ, (2) rác thải vô cơ có thể tái sử dụng và (3) rác thải nguy hại.
Về kiến trúc công trình: Do đặc điểm địa hình, khí hậu Việt Nam, nên bố cục công trình cần phù hợp với điều kiện khí hậu của khu vực quy hoạch. Xây dựng công trình với mật độ, hệ số sử dụng đất hợp lý để có thêm quỹ đất tạo lập công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Bố cục quy hoạch công trình cần được nghiên cứu trên cơ sở phân tích về các điều kiện vi khí hậu của khu đất, lựa chọn giải pháp tối ưu về bố cục công trình để hạn chế tác động xấu của hướng nắng, hướng gió, hạn chế tối đa nhu cầu sử dụng năng lượng cho mục đích làm mát hoặc sưởi ấm trong công trình. Tạo lập cảnh quan không gian kiến trúc xanh, sạch, đẹp, kết nối hài hòa công trình xây dựng và các khu công viên cây xanh, thảm thực vật, vườn hoa, sông ngòi, ao hồ. Tôn trọng địa hình, cảnh quan hiện hữu, tránh san lấp làm biến dạng địa hình tự nhiên…
Việc định vị công trình theo hướng Đông, Đông – Nam rất thuận lợi cho việc thông thoáng, làm mát về mùa hè. Cấu trúc hình khối không gian nên theo hướng đóng – mở liên hoàn vừa tạo được sự lưu thông của không khí vừa tạo được một lợi thế lớn trong việc tiết kiệm năng lượng, chiếu sáng, điều hòa không khí… Tránh việc hình thành hiệu ứng “đảo nhiệt”, do nhiệt độ cao của mặt đường giao thông, vỉa hè, quảng trường, mặt ngoài công trình… dưới tác động của ánh nắng mặt trời cùng các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, giao thông của con người làm cho không gian đô thị bị nóng lên bất thường. Việc quy hoạch thảm cỏ, hồ nước, cây xanh bóng mát kết hợp với thông gió tự nhiên là biện pháp hữu hiệu giảm thiểu hiệu ứng “đảo nhiệt” trong đô thị. Tăng cường các khu cây xanh tập trung, thảm thực vật tại những khu đất ít thuận lợi cho xây dựng.
Trong đầu tư mới các dự án, cần kết nối với các tiện ích, dịch vụ công cộng với cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho đầu tư xây dựng và sử dụng các tiện ích công cộng, phục vụ dân cư đô thị trên địa bàn hay nhiều khu vực đô thị khác nhau.
Để giảm thiểu tối đa tác động có hại của biến đổi khí hậu như gió bão, ngập lụt, hạn hán, nước biển dâng, biến đổi hệ sinh thái…; công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị cần lồng ghép các nội dung xây dựng thích ứng biến đổi khí hậu như: Lựa chọn cao độ san nền khống chế, cao độ xây dựng phù hợp, thích ứng với mưa bão, ngập lụt và nước biển dâng. Chọn giải pháp kết cấu, vật liệu, công nghệ xây dựng công trình chịu tác động gió bão, mưa nắng, xâm nhập mặn, hạn hán.
Đô thị bền vững phải đảm bảo sự cân bằng sinh thái.
Trong mọi lĩnh vực phát triển bền vững cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản: (1) Bền vững về môi trường; (2) Bền vững về xã hội; (3) Bền vững về kinh tế; (4) Bền vững về kỹ thuật, khoa học công nghệ. Các tiêu chí trên đều liên quan mật thiết với nhau, có ảnh hưởng qua lại và tác động trực tiếp lẫn nhau.
Đối với đô thị bền vững về môi trường phải đảm bảo sự cân bằng sinh thái, cân bằng giữa môi trường tự nhiên và nhân tạo, không tác động ảnh hưởng tới môi trường thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái. Sử dụng tài nguyên, năng lượng, đất đai, nguồn nước có hiệu quả thiết thực. Bảo đảm môi trường đô thị xanh, sạch đẹp, giảm thiểu ô nhiễm gây ra bởi sản xuất, sinh hoạt, giao thông…
Về xã hội phải đảm bảo sự phát triển hài hòa cân đối, công bằng xã hội giữa các cộng đồng, đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần đa dạng, phong phú của mọi tầng lớp xã hội, phát huy tối đa mọi tiềm lực con người trong môi trường đô thị…
Về kinh tế phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, thu nhập ngày càng tăng cho người dân. Giảm thiểu sự phân hóa giàu nghèo. Khai thác hiệu quả nguồn lực con người. Tạo công ăn việc làm cho mọi người dân phù hợp với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, tài năng. Về kỹ thuật, khoa học công nghệ phải đảm bảo sự ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ thông minh phù hợp với điều kiện khách quan, cụ thể của Việt Nam trong đô thị trên mọi lĩnh vực như xây dựng và quản lý dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Công trình Xanh trong không gian xanh đang là cách mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện. Để có Công trình Xanh thì ngay từ khâu lựa chọn địa điểm xây dựng đã phải khai thác và tận dụng tối đa điều kiện cụ thể, thuận lợi của địa điểm xây dựng công trình, không hủy hoại hoặc làm biến đổi đặc điểm môi trường hiện hữu. Có giải pháp bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh thái, đảm bảo tỷ lệ cây xanh trong khu vực xây dựng, tăng cường phát triển thảm thực vật, có hệ thống cây xanh từ công trình tới đường phố, không gian đô thị.
Việc trồng cây trên mái và các tầng nhà, sử dụng vườn “treo” trên mặt tiền công trình, cây xanh nội thất… cũng là giải pháp hữu hiệu, vừa tăng cường cách nhiệt, chống tác động bức xạ nhiệt đến công trình, vừa tạo không gian xanh. Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và những nguyên nhân làm suy thoái môi trường. Tăng cường thông gió và chiếu sáng tự nhiên, tiện nghi vi khí hậu trong công trình, tiếng ồn…
Có giải pháp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước. Tăng cường việc kiểm soát, lưu giữ và sử dụng nước mưa, áp dụng công nghệ xử lý nước thải để tái sử dụng… Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện cho chiếu sáng, điều hòa không khí, đun nước nóng, thiết bị quản lý năng lượng và vận hành công trình.
Giảm thiểu sử dụng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt. Về vật liệu xây dựng, cần sử dụng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, vật liệu có sẵn tại địa phương, vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu ít tiêu tốn ít năng lượng. Tránh lạm dụng quá nhiều kính trong việc thiết kế mặt ngoài công trình để giảm thiểu tác hại tăng nhiệt độ công trình do hiệu ứng “nhà kính” và tốn năng lượng điện để làm mát công trình.
Lớp vỏ công trình phải được thiết kế và xây dựng nhằm đảm bảo yêu cầu thông thoáng tự nhiên; có khả năng cách nhiệt và giảm thiểu gió lạnh vào mùa đông; giảm thiểu bức xạ mặt trời xâm nhập vào bên trong công trình và lựa chọn các vật liệu thích hợp để tăng hiệu suất sử dụng năng lượng cho công trình.
Cuối cùng để có quy hoạch phát triển bền vững và Công trình Xanh cần tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, lồng ghép các chương trình tiết kiệm năng lượng, Công trình Xanh vào quy hoạch đô thị, chiến lược phát triển… để đạt được các tiêu chí thành phố xanh, thành phố sinh thái. Việc phát triển đô thị bền vững, hay thành phố xanh, thành phố sinh thái là khái niệm mới và nếu được ứng dụng tại Việt Nam sẽ tạo thành bước chuyển biến lớn trong chất lượng quy hoạch đô thị.
Trong lĩnh vực bất động sản hiện nay Công trình Xanh cũng đã có vị thế nhất định trên thị trường. Đôi khi nó đã trở thành lợi thế cạnh tranh của các dự án BĐS nhằm đem là cơ hội đầu tư và đem lại lợi ích không chỉ cho bản thân doanh nghiệp, khách hàng mà còn cho cả xã hội.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những mảng xanh trong chính môi trường sống ảnh hưởng rất tích cực đến tâm trạng, giúp giảm căng thẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi thế, nhiều chủ đầu tư đã sẵn sàng đầu tư thêm kinh phí để mang lại lợi ích bền lâu cũng như cuộc sống đích thực cho người sử dụng. Để chi phí không là rào cản thì cần xây dựng các cơ chế khuyến khích, đồng thời xây dựng những giải pháp có chi phí thấp, giúp tiết kiệm chi phí vận hành nhưng vẫn làm gia tăng giá trị của căn hộ.
Việc phát triển Công trình Xanh sẽ khuyến nghị những nhà sản xuất tuân thủ quy trình và chất lượng theo chuẩn mực xanh, và kéo theo sự phát triển của các ngành công nghệ xanh, vật liệu xanh… nhằm hoàn thiện toàn diện các yếu tố bền vững cho phát triển kinh tế, tài nguyên và môi trường cho các thế hệ mai sau./.
KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam
Theo Tạp chí KTQH