Điểm đến hấp dẫn
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại đạt gần 8,5 tỷ USD; tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 7 tỷ USD được rót vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bất động sản tiếp tục đứng thứ hai với gần 500 triệu USD được nhà đầu tư đăng ký. Năm 2018, vốn ngoại đổ vào bất động sản đạt gần 6,62 tỷ USD, chiếm 21,3% và đứng thứ hai trong thu hút vốn FDI. Dự báo, số vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam năm 2019 sẽ còn cao hơn năm 2018.
Tại báo cáo đầu tư Việt Nam quý IV-2018 được Savills - Tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới công bố mới đây cũng cho thấy, thị trường nhà ở tiếp tục diễn biến sôi động. Trong tháng 11-2018, Mapletree Logistics Trust (Quỹ Đầu tư bất động sản kho vận tập trung của Singapore) tuyên bố mua lại một nhà xưởng của Công ty Unilever tại Khu công nghiệp VSIP 1 (tỉnh Bình Dương) với giá trị 31 triệu USD. Nhà xưởng này sẽ được Mapletree Logistics Trust cho Unilever thuê lại trong 10 năm.
Tháng 12-2018, Tập đoàn Amata, đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp Thái Lan đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp Sông Khoai, một phần thuộc siêu dự án Amata City Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Công trình này là một bước đi chiến lược để Amata mở rộng tới khu vực phía Bắc, sau thành công của các dự án Khu công nghiệp Amata Biên Hòa và Amata Long Thành tại phía Nam.
Với tổng diện tích đất là 5.789ha, dự án này sẽ là một thành phố công nghiệp tích hợp, dẫn đầu xu thế hướng tới thành phố thông minh, với tổng số vốn đầu tư 1,6 tỷ USD...
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hằng ngày, Savills vẫn luôn gặp gỡ các nhóm khách hàng đầu tư bày tỏ mối quan tâm; rất nhiều trong số đó là các nhà đầu tư lần đầu tìm hiểu việc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Các nhóm khách hàng này chủ yếu đến từ các nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... Ngoài ra còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu; các quỹ đầu tư toàn cầu hiện cũng tích cực nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều điểm sáng
So với 10 năm trước, dòng vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản chỉ chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn rót vào Việt Nam, thì trong những năm gần đây lĩnh vực này đã có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư ngoại. Bởi, nước ta có tình hình chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững, chính sách thông thoáng...
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, quá trình đô thị hóa sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị sẽ tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn; thu nhập bình quân đầu người đã vượt ngưỡng 1.000 USD/người... là những yếu tố để thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Theo Savills, tất cả các phân khúc bất động sản thương mại và nhà ở tại Việt Nam đều đang được các nhà đầu tư nhắm tới. Trong đó, các quỹ đầu tư quan tâm tới việc mua lại các bất động sản đã vận hành và có thu nhập, ví dụ như mua lại các tòa nhà làm văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, các khách sạn 4-5 sao...
Năm 2019, dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận các giao dịch đầu tư mới ở nhiều cấp độ: Tài sản, danh mục, đầu tư doanh nghiệp. Savills Việt Nam đang thực hiện nhiều dự án định giá phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đây cũng là minh chứng cho sự quan tâm của các nhà đầu tư đến thị trường bất động sản. Với triển vọng khả quan của nhiều phân khúc bất động sản, hy vọng luồng vốn đầu tư sẽ hướng đến đa dạng nhiều phân khúc hơn, bao gồm các kênh đầu tư nhiều cơ hội như bất động sản công nghiệp và kho vận.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, năm 2019, số vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam sẽ cao hơn năm 2018. Bởi 6,6 tỷ USD vốn ngoại rót vào bất động sản trong năm 2018 là con số thực đã đầu tư, không phải con số đăng ký. Điều này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đính cũng chỉ ra nhiều điểm sáng của thị trường bất động sản Việt Nam như: Giá cả đang ở mức thấp so với thế giới, khả năng sinh lợi rất cao; Tỷ lệ hấp thụ ở các dự án bất động sản cũng như thời gian thu hồi vốn tốt...
Việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường bất động sản là cơ hội giúp các chủ đầu tư trong nước huy động vốn trong bối cảnh tín dụng bất động sản không thuận lợi. Dòng vốn ngoại này sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính.
Theo Hà Nội mới