Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội

Thứ ba, 28/05/2019 13:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Trưởng ban Thường trực là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Các Ủy viên gồm: Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng; ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tiến hành tổng kết, xây dựng báo cáo Sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 để trình Ban cán sự Đảng Chính phủ. 

Giúp việc cho Ban Chỉ đạo có Tổ biên tập do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

* Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã khẳng định: “Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Quan điểm chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 là:

Thứ nhất, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và bảo đảm an sinh xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và là trách nhiệm của toàn xã hội.

Thứ hai, các chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối, huy động nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; ưu tiên đối với người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba, hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện; phải bảo đảm công bằng và bền vững có tính chia sẻ giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Thứ tư, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.

Thứ năm, tăng cường hội nhập quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Mục tiêu là đến năm 2020 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)