Sớm ban hành Chương trình tổng thể
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết trình Thủ tướng Chính phủ ban hành với tinh thần “Chương trình tổng thế, nhưng phân công trách nhiệm cụ thể”. Trong đó tập trung vào các giải pháp: Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; tăng cường điều tra cơ bản, cập nhật, xây dựng CSDL liên ngành; xây dựng Quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ, chủ đạo là triển khai Quy hoạch tích hợp; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, chuyển đổi mô hình thích ứng với BĐKH; đầu tư và phát triển hạ tầng; phát triển và huy động nguồn lực. Đặc biệt là thu hút các nguồn lực từ khối tư nhân tham gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai rà soát cơ chế chính sách, rà soát CSDL để xây dựng CSDL liên ngành ĐBSCL, sẽ hình thành một Trung tâm tích hợp dữ liệu liên ngành ở ĐBSCL.
Các bộ, ngành khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo phương pháp tích hợp đa ngành, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2019. Đồng thời, rà soát, đánh giá các cơ chế hiện có để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế điều phối, phát triển vùng ĐBSCL, trong đó có việc thành lập Hội đồng điều phối vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, thủy sản của vùng.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai Chương trình KH&CN Tây Nam Bộ với 60 đề tài nghiên cứu về ĐBSCL (2014-2020), Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng triển khai Chương trình KH&CN quốc gia về BĐKH với 12 đề tài cấp quốc gia nghiên cứu về ĐBSCL (2016-2020).
Bộ NN&PTNT đã tích cực triển khai các nội dung của dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL; tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH.
Bộ Xây dựng đã triển khai các hoạt động thí điểm phát triển đô thị thông minh vùng ĐBSCL; sắp xếp, bố trí lại dân cư, di dời nhà ở tại các khu vực ven biển, ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở; các mô hình nhà ở và vật liệu xây dựng có khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với BĐKH.
Huy động nguồn lực khắc phục khẩn cấp các sự cố do BĐKH
Các địa phương đã tích cực rà soát lại các quy hoạch theo hướng tăng cường khả năng chống chịu với các tác động của BĐKH; ưu tiên nguồn vốn do địa phương quản lý để triển khai thực hiện dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 120; tích cực triển khai khắc phục khẩn cấp các sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương.
Về bố trí nguồn lực, hiện nay đã có kế hoạch vốn 12.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 120. Ngoài ra, theo Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ vốn trung hạn cho 20 dự án ở ĐBSCL với tổng kinh phí 3.700 tỷ đồng, trong đó hợp phần BĐKH là 3.200 tỷ đồng, hợp phần tăng trưởng xanh là 500 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ một số địa phương ĐBSCL tập trung khắc phục sạt lở và đề nghị đưa vào kế hoạch trung hạn 1.000 tỷ đồng khắc phục sạt lở.
Để sớm triển khai các bước tiếp theo, mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo việc xây dựng Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120. Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể.
Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với các bộ và thống nhất bằng văn bản về hình thức ban hành những nội dung đưa vào Chương trình hành động tổng thể theo đúng tinh thần: Các nhiệm vụ về cơ chế, chính sách phải gọn, tập trung và có tính khả thi; chỉ ghi nguồn vốn đã có kế hoạch bố trí vốn cho những nhiệm vụ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành tổng hợp, cập nhật làm cơ sở cho các hoạt động thực hiện Nghị quyết số 120 và xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL.
Xây dựng các nhiệm vụ cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần trọng tâm, đảm bảo tính khả thi về thời gian, tập trung chủ yếu các nhiệm vụ lớn cho giai đoạn 2021-2030. Sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn, nhất là giai đoạn 2021-2030, có định hướng cho giai đoạn sau năm 2030.
Các bộ, cơ quan liên quan chủ động rà soát lại các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động tổng thể theo hướng tinh gọn, đảm bảo tính khả thi đối với các nhiệm vụ, hoàn thiện, cập nhật hệ thống số liệu, dữ liệu chuyên ngành gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật thống nhất hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành tổng hợp của giai đoạn từ nay đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, hoàn thiện Chương trình tổng thể.
Theo chinhphu.vn