Giải pháp mới về vật liệu xây dựng

Thứ ba, 28/03/2017 14:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với những ưu điểm nổi trội như độ bền cao, cách âm tốt, có khả năng chống cháy, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường, gạch không nung được coi là giải pháp mới, là vật liệu thay thế các loại gạch xây dựng truyền thống.

Gạch không nung cách âm, cách nhiệt tốt hơn gạch đất nung truyền thống.

Tận dụng phế thải công nghiệp

Từ trước tới nay, trong xây dựng, gạch đất nung truyền thống (gạch đỏ) vẫn được sử dụng rộng rãi. Để sản xuất loại gạch này phải dùng tới các loại vật liệu, khoáng sản không tái tạo, nhiên liệu hóa thạch; sản phẩm được nung bằng lò thủ công hoặc lò tuy-nen, thải khí CO2 nên gây hiệu ứng nhà kính; người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu dùng cho việc sản xuất gạch đỏ đang cạn kiệt do lượng phù sa bồi đắp ở các bãi ven sông không còn nhiều, dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn nguyên liệu dùng cho sản xuất.

Dần thay thế cho loại vật liệu nói trên, hiện nay, ngoài vùng Đồng bằng sông Hồng, nhiều tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc đã sử dụng các sản phẩm gạch không nung (GKN) cho các công trình xây dựng. Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, Phạm Văn Bắc cho biết, GKN hiện nay gồm có 3 loại chính, gồm gạch bê tông (hay còn gọi là xi măng cốt liệu), gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt (gạch nhẹ)... Thành phần của GKN, ngoài chất kết dính là xi măng (tỷ lệ từ 8 đến 10%) thì còn có đá mạt, xỉ..., là chất thải từ công nghiệp, góp phần làm giảm khả năng gây ô nhiễm môi trường. GKN loại nhẹ phù hợp với các công trình xây dựng quy mô lớn, các nhà cao tầng. Trên thực tế, với các công trình dân sinh mang tính chất đơn lẻ hiện nay, đặc biệt là công trình ở vùng sâu, vùng xa - nơi việc vận chuyển vật liệu rất khó khăn, người dân vẫn kết hợp sử dụng cả gạch bê tông và gạch đỏ.

Ưu điểm nổi bật của GKN là giá thành thấp hơn từ 5 đến 10% so với các loại gạch truyền thống. Ngoài ra, GKN được sản xuất theo dây chuyền cơ giới hóa, người lao động không phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao. Gạch có tính cách âm, cách nhiệt. Trọng lượng gạch nhẹ, giúp giảm chi phí cho kết cấu móng, bộ phận chịu lực, khung dầm, từ đó cho phép hạ thấp giá thành của các công trình.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Bắc, điểm hạn chế của GKN là độ hút nước cao, nếu không xử lý ép tốt trong quá trình sản xuất thì sẽ gây ra các hiện tượng ẩm mốc, rạn nứt công trình. Tuy nhiên hiện nay, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng máy rung, ép có công suất lớn… nên độ hút ẩm của GKN có thể đạt mức tương đương với gạch đỏ (từ 8 đến 12%) hoặc thấp hơn.

Tiến tới xóa bỏ gạch thủ công

Chính phủ đã thể hiện chủ trương sử dụng vật liệu không nung trong xây dựng qua Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Tại những văn bản này, Chính phủ yêu cầu các địa phương trên toàn quốc xây dựng lộ trình xóa bỏ những lò gạch thủ công hoặc lò thủ công cải tiến.

Theo khảo sát của dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN tại Việt Nam” do Bộ KH-CN chủ trì, tới nay đã có 35/63 tỉnh, thành phố có chỉ thị về việc xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung thủ công, tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung; 45/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng dùng nhiên liệu hóa thạch...; 53/63 tỉnh, thành phố đã lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.

Các doanh nghiệp cũng đã tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ với việc chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm GKN có chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm cũng như đưa công suất tại các nhà máy vận hành tối đa. Công ty CP Gạch Khang Minh (Hà Nội) đã đầu tư 6 dây chuyền sản xuất gạch bê tông với tổng công suất 270 triệu viên/năm, Công ty Gạch khối Tân kỷ nguyên (Long An) đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất gạch bê tông chưng áp… Tại Hà Nội, một số công trình đã sử dụng 80 - 100% vật liệu xây không nung...

Tuy nhiên, việc sản xuất, sử dụng GKN ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Theo ông Phạm Văn Bắc, nguyên nhân của hạn chế nói trên là các chính sách chưa cụ thể, chưa có cơ chế ưu đãi đối với dự án đầu tư; nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ. Để GKN dần thay thế gạch đỏ, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền; khuyến khích các đề tài nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, khắc phục nhược điểm của các sản phẩm GKN, tạo nhiều mẫu mã phù hợp với nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến công nghệ.


Theo Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)