ACVN là một tổ chức xã hội tự nguyện của các đô thị Việt Nam được thành lập năm 2000. Hiện nay Hiệp hội có 110 đô thị thành viên từ loại 4 đến đặc biệt. Hiện nay, Hiệp hội là tổ chức duy nhất để liên kết các chính quyền đô thị ở Việt Nam, hoạt động với tư cách là tổ chức phi Chính phủ và là tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Với hơn 16 năm phát triển, ACVN đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối liên kết giữa các đô thị, tham gia xây dựng, phản biện nhiều chính sách, chương trình, đề án về phát triển và quản lý đô thị; tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên. Hiệp hội cũng đã làm tốt công tác đào tạo, hỗ trợ, tuyên truyền, hợp tác quốc tế về phát triển đô thị.
Tính đến nay, hệ thống đô thị quốc gia gồm 795 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt; 17 đô thị loại I; 25 đô thị loại II; 41 đô thị loại III; 84 đô thị loại IV và trên 600 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 36%, kinh tế đô thị đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra GDP của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị trung bình cao gấp từ 1,5 đến 2 lần bình quân chung cả nước.
Theo báo cáo tại Đại hội, trong nhiệm kỳ 2011-2016, ACVN đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý, phát triển đô thị, trong đó có Chương trình Phát triển đô thị quốc gia, Luật Xây Dựng, Luật Nhà ở, Nghị định về Quản lý đầu tư phát triển đô thị…
Hiệp hội đã cùng chính quyền các đô thị từng bước giải quyết những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển, quản lý đô thị, đặc biệt những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như nhà ở, nước sạch, bệnh viện, công viên cây xanh... Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã hỗ trợ các đô thị trong học hỏi kinh nghiệm trong kết nối đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí phát triển đô thị…
Chưa quan tâm đúng mức để phát triển nhà ở xã hội
Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của ACVN trong quá trình phát triển của các đô thị nói riêng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những kết quả quan trọng trong công tác quản lý phát triển đô thị, thì đô thị Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật nhất là xu hướng tập trung hoá đô thị, xu hướng phát triển thiếu cân bằng, chênh lệch giữa các vùng miền. Chính tình trạng này đã tạo ra các dòng dịch chuyển dân cư, từ đó gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, các dịch vụ thiết yếu như nhà ở, y tế, giao thông, giáo dục…, dẫn đến tình trạng ô nhiễm, ngập úng…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng các đô thị Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu, khả năng của người dân.
“Đô thị phát triển mục tiêu đầu tiên phải là vì con người, vì người dân. Trong khi người dân đại đa số còn thiếu nhà ở, có khả năng chi trả thấp nhưng lại rất thiếu những sản phẩm phù hợp. Tình trạng này chắc chắn sẽ dẫn đến những đô thị phát triển không cân bằng”, Phó Thủ tướng nói.
“Nếu không có giải pháp phù hợp, ngay bên cạnh các khu nhà chọc trời sẽ xuất hiện những khu ‘ổ chuột’, và như thế sẽ không thể có văn minh đô thị”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh thêm.
Theo Phó Thủ tướng, để thị trường bất động sản dành cho mọi người dân, các sản phẩm bất động sản đến được với người dân, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để phát triển nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những thách thức lớn đối với các đô thị Việt Nam như công tác kiểm soát phát triển đô thị còn nhiều bất cập, tình trạng quản lý thiếu quy hoạch, không có kế hoạch diễn ra ở nhiều nơi. Công tác phòng chống cháy nổ còn nhiều hạn chế; quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng không được thực hiện nghiêm, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng đô thị còn lớn.
Đề cập đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, Phó Thủ tướng cho rằng không thể chỉ giải quyết tại chỗ, mà quan trọng hơn cần thực hiện các giải pháp tổng thể, phân bố hài hòa các đô thị trên cả nước, để các đô thị có sức hấp dẫn, tránh tình trạng tập trung quá đông dân số tại một vài đô thị. Bên cạnh đó cần chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, nâng cao năng lực quản lý, điều hành.
Tình trạng quản lý đô thị thiếu quy hoạch, kế hoạch cũng còn khá phổ biến hiện nay, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn lực triển khai thực hiện, tránh tình trạng quy hoạch treo, lãng phí.
Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nâng cao vai trò phản biện
Trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết ACVN phải tập trung thực hiện có hiệu quả chức năng phản biện, tham gia vào quá trình xây dựng chính sách đô thị; tập hợp, liên kết giữa các đô thị; tham gia có chất lượng vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý đô thị.
“Hiệp hội cần tập trung nghiên cứu để phát hiện và đề xuất kịp thời với Chính phủ, các bộ, ngành những giải pháp phù hợp, hiệu quả, nhằm giải quyết tốt các vấn đề bức xúc đang đặt ra với các đô thị”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cần thực hiện tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ chính quyền đô thị các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý đô thị, ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, ACVN cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tìm ra những mô hình, giải pháp, kinh nghiệm, nguồn lực… nhằm quản lý, phát triển đô thị phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của Việt Nam, tiếp cận các xu hướng phát triển đô thị hiện đại.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý, Hiệp hội cần đẩy mạnh công tác phát triển hội viên; nâng cao hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để ACVN thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Theo chinhphu.vn