Hiện nay, mô hình phát triển đô thị đã chuyển dần từ đô thị chức năng (Zoning) sang đô thị sinh thái (Eco), đô thị sinh thái kinh tế (Eco2) và đô thị thích ứng (Compatitible-Adaptation) để giải quyết các thách thức phát triển, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững. Khái niệm Đô thị xanh (green city) - Eco city (đô thị sinh thái) được xây dựng trên nguyên tắc lấy môi trường làm nền tảng phát triển, giảm thiểu phát thải Cacbon, sử dụng năng lượng tái tạo, và lồng ghép các yếu tố môi trường (cây xanh, mặt nước, hệ sinh thái tự nhiên) vào trong các hoạt động đô thị, tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo đói, tăng mật độ dân cư (nên bỏ vì không phù hợp với khái niệm tăng trưởng xanh), tăng cường chất lượng môi trường sống-Eco2.
Được xác định trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012, Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, TTX dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Theo đánh giá của LHQ, các đô thị chiếm 2/3 tổng nhu cầu sử dụng năng lượng và 76% lượng khí thải Cacbon có nguồn gốc từ giao thông, công nghiệp, các hoạt động xây dựng và công trình. Do đó vai trò của Quy hoạch đô thị hướng tới mô hình đô thị xanh đặc biệt quan trọng, góp phần đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh có quy mô quốc gia.
Triết lý Quy hoạch đô thị - Tư duy quy hoạch đô thị
Từ lối tư duy Quy hoạch Chinh phục thiên nhiên của những thập niên 70 sang xu thế Thích ứng với thiên nhiên. Các đô thị cổ của Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu về quy hoạch các đô thị cảnh quan sông nước như Hà Nội, Hội An, Cần Thơ, cảnh quan cao nguyên như Sapa, Đà Lạt. Thiên nhiên làm nền tảng để xây dựng cấu trúc đặc trưng địa sinh thái, khai thác lợi thế cảnh quan, địa hình vào các giải pháp quy hoạch đô thị vườn (Đà Lạt), đô thị nước, đô thị hồ, đô thị ven sông (Cần Thơ, Hà Nội, Hội An).
- Xu thế trên thế giới như Hà Lan, Bỉ các nước Châu Âu về giải pháp quy hoạch đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng là chuyển hướng "tu bổ và xây dựng mới" hệ thống đê sang "tháo, thu hẹp lại" hệ thống này dưới nhiều hình thức khác nhau. Các không gian được “tháo” khỏi hệ thống đê là cơ hội để phát triển quỹ đất các không gian xanh, sinh thái, phát triển hỗn hợp. Đây cũng là một triết lý quan trọng, để thích nghi với thiên nhiên, hơn là chinh phục.
- Giảm nhu cầu sử dụng năng lượng đô thị nhờ các giải pháp hình thành và tạo lập khung cấu trúc cảnh quan tổng thể của đô thị dựa trên các yếu tố cảnh quan Vùng đặc trưng như địa hình, khí hậu, thủy văn. Hay nói một cách khác, phát huy hơn nữa lợi thế sẵn có của điều kiện tự nhiên, hoặc biến thách thức (ngập, lụt) thành cơ hội (phát triển đô thị nổi, đô thị nước). Cấu trúc xanh này cho phép giảm đáng kể nhu cầu sử dụng năng lượng và phát thải của đô thị như Giảm nhu cầu làm mát, giảm thiểu các hiệu ứng đảo nhiệt cho các hoạt động đô thị, giảm nhu cầu thoát nước mưa do tăng bền mặt thẩm thấu của thảm thực vật, và tăng sức hấp dẫn của đô thị tạo bởi hình ảnh riêng biệt đặc trưng về điều kiện địa hình, thực vật không nơi nào có được đối với khu vực đô thị.
- Khung cấu trúc cảnh quan này sẽ là giới hạn phát triển Khu vực xây dựng đô thị và là nền tảng đề xuất cho các giải pháp hạ tầng kỹ thuật Xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải pháp hạ tầng xanh như công viên nước, hồ điều hòa, vườn, thảm thực vật,… làm sạch nước bằng quá trình sinh học, mở rộng không gian nước .... tạo ra nhiều "không gian xanh sáng tạo" trong đô thị. Yếu tố này rất quan trọng đối với tiêu chí đô thị tối ưu (ưu việt), rất hấp dẫn hiện nay.
- Thực hiện phân vùng chức năng dựa trên đặc tính và tiềm năng các hệ sinh thái tự nhiên, tiềm năng tài nguyên, sinh thái xã hội (con người, văn hóa, lịch sử) và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những yếu tố này rất cần được xem xét làm căn cứ để lập quy hoạch không gian và sử dụng đất;
Vai trò của hệ sinh thái tự nhiên trong và xung quanh đô thị
Khái niệm “Dịch vụ sinh thái” nói lên vai trò, chức năng của các hệ sinh thái tự nhiên có khă năng cung cấp những lợi ích phục vụ cho con người như bảo vệ khu vực do các hiện tượng thiên tai tự nhiên, duy trì chất lượng nguồn nước tự nhiên, điều hòa khí hậu khu vực, cung cấp đất đai trồng trọt phì nhiêu, tài nguyên khoáng sản …Các hệ sinh thái tự nhiên trong đô thị và xung quanh nó hoạt động và cung cấp các dịch vụ sinh thái đó mà không cần tới sự can thiệp, tác động nào của con người. Do đó đây được coi là nguồn lực quý giá của đô thị, rất cần xem xét và đánh giá khi nghiên cứu lập các đồ án Quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng.
Đô thị tự nó không thể phát triển bền vững, luôn luôn vận động và phải dựa vào hệ sinh thái tự nhiên trong đô thị và xung quanh bao gồm từ: hệ thống thủy văn, hải văn, sông biển, hồ, suối, rạch, tới đồi cồn cát, đồi núi và rừng, vùng trồng trọt, vùng ngập nước để tồn tại và thích nghi. Các hệ sinh thái tự nhiên trong đô thị và xung quanh nó hoạt động và cung cấp các dịch vụ sinh thái đó mà không cần tới sự can thiệp, tác động nào của con người. Tuy nhiên khi có các hoạt động xây dựng đô thị diễn ra, chuyển hóa các không gian tự nhiên như hồ, ao, vùng ngập nước tự nhiên, đồi cát, triền sông thành các không gian xây dựng thì các chức năng về sinh thái sẽ bị mất đi, gây mất căn bằng, ngập úng, đảo nhiệt (thay đổi nhiệt độ không theo quy luật (?), vệ sinh môi trường, sức khỏe con người, làm gia tăng chi phí đầu tư phát triển đô thị, giảm sức cạnh tranh của các dự án đầu tư (khu vực bị ngập lụt, thiếu cây xanh, nóng bức, chi phí đầu tư hạ tầng sẽ cao hơn so với khu vực có điều kiện cảnh quan cây xanh, mặt nước, thoát nước).
Phương pháp xác định hệ sinh thái trong đô thị và xung quanh (các vùng, điểm, tuyến) của đô thị và mối liên kết giữa chúng, đòi hỏi có góc nhìn vượt ra ngoài phạm vi ranh giới hành chính, chính trị 1 đô thị, 1 thành phố, và đôi khi cả 1 tỉnh, 1 vùng. Và chính nó sẽ giúp nhận diện và cân bằng giữa các mục tiêu phát triển với điều kiện địa lý tự nhiên để giảm những tác động tiêu cực, giảm khả năng cung cấp dịch vụ sinh thái của hệ sinh thái tự nhiên trong khi vẫn đảm bảo đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội, tăng khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Các yếu tố cấu thành của Khung sinh thái vùng đô thị
Hầu hết các đô thị đều tập trung tại khu vực trung tâm và được bao quanh bởi hệ thống không gian sinh thái tự nhiên, càng ra xa trung tâm ranh giới giữa đô thị và tự nhiên càng mờ nhạt. Các hình thái cơ bản được định nghĩa và phân loại dựa trên mối quan hệ giữa đô thị và tự nhiên, và được phân ra làm bốn hình thái chính:
• Hoàn toàn tự nhiên; như rừng cây, vùng ngập mặn, đầm, biển, sông, suối, hồ…
• Bán tự nhiên; công viên đô thị, công viên chuyên đề
• Không gian tự nhiên nhân tạo; sân golf, ruộng, vườn
• Không gian nhân tạo hoàn toàn (không gian xây dựng); công trình, đường phố, nhà ở...
Với phương pháp tiếp cận quy hoạch không gian đô thị trong đó môi trường làm trọng tâm thì các giải pháp sẽ thich ứng và hài hòa với tự nhiên, hướng tới các giải pháp lồng ghép hợp lý với yêu cầu dịch vụ sinh thái và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong khi đó phương pháp tiếp cận quy hoạch ‘nhân tạo’ lại có xu hướng ngược lại và thường phải “hy sinh” các yếu tố cảnh quan sinh thái tự nhiên cho các hoạt động kinh tế.
Các bước xác định Khung sinh thái vùng để đảm bảo ngưỡng phát triển bền vững của đô thị
- Xác định ranh giới, vị trí và phạm vi ảnh hưởng của hệ thống sinh thái tự nhiên như hệ thống thủy văn, sông, hồ, suối, rạch, tới đồi núi, cồn cát, và rừng, vùng trồng trọt, vùng ngập nước để có thể bảo vệ những hệ thống sinh thái quan trọng của vùng.
- Xác định khung sinh thái vùng với các hình thái tự nhiên cơ bản:
• Hoàn toàn tự nhiên: rừng cây, vùng ngập mặn, đầm, biển, sông, suối
• Bán tự nhiên: công viên đô thị, công viên chuyên đề
• Không gian tự nhiên nhân tạo: sân golf, ruộng, vườn
• Không gian nhân tạo hoàn toàn (không gian xây dựng): công trình, đường phố, nhà ở...
Các tiêu chí giám sát thực hiện
BẢNG: CÁC TIÊU CHÍ GIÁM SÁT THỰC HIỆN
ThS.KTS Lê Kiều Thanh
Tài liệu tham khảo:
1. Chiến lược quốc gia vê hành động tăng trưởng xanh , phê duyệt tại quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012.
2. Chiến lược phát triển thành phố dựa vào cộng đồng cho Tam Kỳ và Quy Nhơn 2016
3. Planning sustainable cities – UN Habitat, Global report on Human Settlements 2011, Cities and climate change.
4. Urban pattern for Green Economy, Working with nature-UN Habitat for a better urban future
(Tạp chí Quy hoạch Đô thị, số 25 - 2016)
Theo ashui.com