Thủ tướng: Tái định cư không phải tổng kết xong là dừng lại

Thứ hai, 03/10/2016 14:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại hội nghị tổng kết dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, Thủ tướng cho rằng công tác này cần bảo đảm tính bền vững, không để tái nghèo tại nơi ở mới, không phải di dân xong là kết thúc.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 1/10 tại tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị tổng kết dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La năm 2001-2016. Tham dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.

Muốn di dân phải chuyển được lòng dân

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La, để nhường đất cho nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á, số dân phải di chuyển, bố trí tái định cư lớn nhất nước ta từ trước tới nay, với 20.340 hộ và 93.201 người của 248 bản, tổ dân phố, 31 xã, phường, 8 huyện, thị xã của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.

Sau 15 năm thực hiện, đến nay dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La đã cơ bản hoàn thành, góp phần đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La vào hoạt động vượt tiến độ 3 năm.

Về đời sống người dân tái định cư, thu nhập bình quân (đạt hơn 1,2 triệu đồng/người/tháng) tăng gấp 3,92 lần so với thời điểm trước khi di chuyển. Tỉ lệ hộ nghèo giảm 2,56 lần.

Chia sẻ về cách làm, kinh nghiệm trong công tác di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh cho biết những phương châm, tinh thần mà tỉnh quán triệt như “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, “Muốn di dân phải chuyển được lòng dân”, “Cùng ăn, cùng bàn, cùng làm, cùng ở, cùng nói một thứ tiếng”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Bám sát chủ trương “nơi ở mới phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ”, ông Vũ Ngọc Vương, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, cho biết, nhiệm vụ di dân, tái định cư cũng gắn với việc tái thiết đô thị. Thị xã chú trọng việc chuyển đổi ngành nghề, bảo đảm đời sống của người dân.

Cũng tại hội nghị, câu chuyện mà anh Lò Văn Khặn, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La chia sẻ được nhiều đại biểu hoan nghênh, coi đây là một điển hình, tấm gương về tái định cư. Gia đình anh Khặn đã phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện kết hợp nuôi vịt trời. Hiện nay, gia đình anh có 23 lồng cá, cho lợi nhuận hằng năm từ 300-350 triệu đồng; đàn vịt trời có 1.600 con, trị giá khoảng 320 triệu đồng.

Các hộ dân trong xã sau khi thấy gia đình anh làm ăn hiệu quả đã mạnh dạn vay vốn, liên kết thành lập hợp tác xã. Trong năm 2015-2016, trên địa bàn xã thành lập được 13 hợp tác xã, phát triển được trên 500 lồng cá.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Thủy điện Sơn La là công trình hợp lòng dân, nhân dân đồng tình ủng hộ, đây là một trong những điểm thuận lợi nhất trong triển khai dự án di dân, tái định cư. Dự án này có tính quyết định đến việc nhà máy thủy điện cho hoạt động hay không, chứ chưa kể nhà máy còn phát điện sớm tới 3 năm.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương cần chủ động, tích cực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; kiểm tra hệ thống hạ tầng để duy tu, sửa chữa các công trình xuống cấp; các bộ, ngành chức năng phối hợp với địa phương tháo gỡ vướng mắc để sớm thanh quyết toán dự án, tăng cường kiểm soát đầu tư xây dựng, chống thất thoát lãng phí.

Không phải tổng kết xong là dừng lại

Kết luận hội nghị, Thủ tướng bày tỏ tri ân sự đóng góp quý báu cho dự án công trình Thủy điện Sơn La của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo Trung ương, địa phương và nhân dân 3 tỉnh đã rời quê hương, nhường đất cho dự án.

Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được của dự án di dân, tái định cư, nổi bật là đời sống người dân tốt hơn. Nhiều mô hình sản xuất mới được xây dựng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của các địa phương, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, sự ủng hộ của người dân. Lãnh đạo 3 tỉnh nhiệt tình, trách nhiệm, lăn lộn ngày đêm với công tác di dân, tái định cư, vận động nhân dân.

“Tôi có suy nghĩ rằng đây không phải là cuộc tổng kết, đánh giá cuối cùng đối với công tác tái định cư mà công tác này còn lâu dài, bền vững, không để người dân tái nghèo”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng điều quan trọng trước mắt phải là lo sinh kế cho người dân, lo giáo dục, đào tạo cho lớp trẻ để có kiến thức phát triển, hội nhập và giàu có.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu nhìn thẳng vào mặt tồn tại, bất cập để tập trung khắc phục, để hơn 93.000 người dân tái định cư có cuộc sống lâu bền trong thời gian tới.

Đời sống người dân tái định cư tại một số điểm chưa ổn định, khó phát triển bền vững. Nguyên nhân là thiếu đất, nước phục vụ sản xuất, đặc biệt là đất trồng lúa nước chưa đạt yêu cầu. Cho rằng một số huyện, xã chậm cấp sổ đỏ cho người dân tái định cư, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần ban hành ngay chỉ thị để khắc phục, “không có vấn đề gì mà không thể giải quyết được thủ tục cho bà con”.

Bên cạnh đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu tái định cư chưa đạt yêu cầu. Hệ thống kết cấu hạ tầng tại các xã có điểm tái định cư chưa đầu tư đồng bộ. Nhiều công trình mới sử dụng đã bị hư hỏng, xuống cấp, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Có nơi sạt lở gây mất an toàn. Sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách đối với dự án Thủy điện Sơn La chưa kịp thời. Tiến độ thực hiện một số dự án thành phần chậm so với yêu cầu, đến nay còn 6 dự án chưa hoàn thành. Chính sách bồi thường còn một số hạn chế, chưa tạo việc làm, thu nhập cho người dân và gắn người dân với mảnh đất của họ. Việc xây nhà ở còn chưa phù hợp với tập quán của người dân, một số công trình chất lượng thấp.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Không chỉ lo cơm ăn ba bữa

Nhấn mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi ngành nghề còn bất cập, Thủ tướng cho rằng mô hình như anh Lò Văn Khặn chia sẻ còn rất ít, phải nhân rộng, để làm sao “đồng bào cùng no ấm mới quan trọng chứ không chỉ một số người no ấm”. Một tồn tại lớn là số xã đạt chuẩn nông thôn mới ở khu tái định cư còn thấp, hiện mới có 6/95 xã.

“Tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước và các tỉnh phải nghiêm túc nhìn nhận, quyết tâm khắc phục những hạn chế nêu trên. Đánh giá về cuộc sống của đồng bào tái định cư phải thực sự khoa học, khách quan, có như vậy mới thấy hết được những gì là hạn chế, yếu kém để có phương hướng khắc phục thực sự”, Thủ tướng nói và lưu ý “trong báo cáo của các đồng chí có một ý là thu nhập sau tái định cư năm 2015 tăng gần 4 lần so với năm 2005 tại nơi ở cũ thì thực tế có như vậy không hay chỉ một bộ phận thôi”.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm hơn nữa về hạ tầng xã hội, nhất là đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tư vấn, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh, giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc tốt đẹp, chứ không chỉ quan tâm về kinh tế, lo cơm ăn ba bữa.

Xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu tái định cư, trung tâm khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ cách làm du lịch cộng đồng.

“Những hỗ trợ hiện nay cho bà con đang được chính quyền ứng xử như đối với đối tượng chính sách, liệu ta có thể xoay thành sự hỗ trợ cho một nguồn lực tiềm năng để có thể tự phát huy giá trị của mình”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng “phải trao cần câu chứ không phải con cá, để đồng bào năng động hơn. Ban đầu chúng ta đưa một khoản tiền, gạo, xây hạ tầng nhưng không tổ chức sản xuất, tạo việc làm thì khi người dân hết gạo, hết tiền sẽ tái nghèo". Theo Thủ tướng, nhiều vùng đồng bào tái định cư đã gặp tình trạng tái nghèo.

Không chấp nhận công trình hoang

Thủ tướng nêu rõ: "Không chấp nhận công trình xây dựng rồi bỏ không, người dân không dùng". Đặc biệt, những công trình, dự án phục vụ cộng đồng thì phải có sự tham gia rộng rãi ý kiến của cộng đồng ngay từ khâu chủ trương đầu tư, đến giám sát, thực hiện, đánh giá hiệu quả sau khi công trình đi vào vận hành. “Làm nhiều công trình mà do ý chủ quan của cấp trên đưa xuống không phải xuất phát từ yêu cầu cộng đồng, người dân, của đồng bào dân tộc ở đây thì làm xong có sử dụng không? Cả nước gặp tình trạng này nhiều”, Thủ tướng than phiền và nhấn mạnh rằng, việc lắng nghe ý kiến bà con rất quan trọng đối với những công việc, công trình phục vụ cộng đồng.

Thủ tướng lưu ý việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tái định cư, phải tận dụng đội ngũ cán bộ từ cộng đồng di cư đến để có sự chia sẻ, đồng cảm, đoàn kết dân tộc. Phải ưu tiên trực tiếp cho việc giảm nghèo bền vững, thoát nghèo sớm cho vùng tái định cư.

Chia sẻ cho người dân hy sinh lợi ích vì công trình

Thủ tướng cũng đặt một bài toán, câu hỏi và giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, đặc biệt là EVN giải quyết là nghiên cứu cơ chế chia sẻ một phần lợi nhuận từ Thủy điện Sơn La để dành cho công tác phát triển, cho những người dân đã hy sinh lợi ích của mình vì thành công của công trình.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành như giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan kiểm tra, đôn đốc các tỉnh đẩy nhanh thực hiện các hạng mục, dự án còn lại, bảo đảm tiến độ được giao; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý những tồn tại trong công tác di dân, tái định cư. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện thanh quyết toán dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La.

Thủ tướng trao Huân chương Lao động các hạng cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho dự án. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Không quan tâm thì ổ gà thành ổ voi

Với 3 tỉnh, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ chưa được cấp; hoàn thành 6 công trình đang thi công; tăng cường khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân tái định cư…

Các tỉnh xây dựng, phê duyệt, thực hiện quy chế quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng công trình công cộng tại các khu, điểm tái định cư. “Như đồng chí Trịnh Đình Dũng vừa nêu, nếu không duy tu, bảo dưỡng thì ổ gà thành ổ voi mà chỉ cần một xe đất là xong. Muốn vậy, các đồng chí phải sát dân, chứ không thể ngồi tại hội trường, ngồi trong thành phố mà có thể chỉ đạo được các việc cụ thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.

* Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trao Huân chương Lao động các hạng cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho dự án.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)