Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thứ tư, 27/07/2016 15:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2016.

Tiếp tục hỗ trợ gạo cho tỉnh Gia Lai

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 568,905 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Gia Lai để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt và hạn hán năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, địa phương báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Phê chuẩn nhân sự tỉnh Lâm Đồng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2016-2021.

Cụ thể, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011-2016.

Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: ông Nguyễn Văn Yên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011-2016; ông Phan Văn Đa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011-2016; ông Trần Ngọc Liêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011-2016; ông Phạm S, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011-2016.

Điều tra làm rõ 3 vụ buôn lậu thuốc lá tại Long An và Tây Ninh

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung điều tra làm rõ 3 vụ buôn lậu thuốc lá đã phát hiện tại tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh để truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo đánh trúng đầu nậu, đối tượng cầm đầu; đồng thời làm rõ đường dây tổ chức, phương thức, thủ đoạn phạm tội, hành vi phạm tội để xử lý đúng quy định của pháp luật. Không để tình trạng thông tin ban đầu là lớn nhưng sau đó kết quả điều tra, truy tố, xét xử thì thu nhỏ lại.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng mở rộng điều tra để triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu qua biên giới tỉnh Long An, tỉnh Tây Ninh và các tỉnh phía Nam.

Đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định an ninh, quốc phòng, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng tiếp tục bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, đặc biệt là Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020;...

Giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản; rà soát, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; đẩy mạnh xuất khẩu. Tập trung khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, tiết kiệm chi phí, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Ưu tiên nuôi tôm thẻ chân trắng để bù vào diện tích bị thiệt hại đầu năm, phát triển sinh kế cho người nông dân. Phấn đấu đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng đề ra từ đầu năm.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm liên kết chung về phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đề xuất thành lập Tổ chỉ đạo liên ngành về liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng làm Tổ trưởng; rà soát, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị chuyên đề về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các chương trình tín dụng cho sản xuất của Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh trong tháng 9 năm 2016; sớm hoàn thiện đề án đặc khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vào đầu tháng 8 năm 2016. Đồng thời, đề xuất danh mục các công trình, dự án vùng trọng điểm cần ưu tiên đầu tư, nhất là tuyến đường duyên hải và các tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận-Trung Lương và Mỹ Thuận-Cần Thơ; trục kết nối vận chuyển hàng hóa với Campuchia...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đồng chủ trì, phối hợp với tỉnh Đồng Tháp và các bộ, cơ quan, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan tổ chức hội nghị chuyên đề về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi (kiểm soát mặn và trữ ngọt) và xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác nông nghiệp theo chuỗi giá trị; kế hoạch hợp tác "liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười" tại tỉnh Đồng Tháp trong tháng 9 năm 2016.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và tỉnh Cà Mau và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị chuyên đề về thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại tỉnh Cà Mau trong tháng 9 năm 2016.

Từng nhà máy phải có hệ thống xử lý chất thải phù hợp

Đó là một trong những nội dung trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về công tác đầu tư xây dựng và tiến độ triển khai một số dự án đang đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát Quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để cập nhật, bổ sung điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế. Xác định rõ khu hạ tầng kỹ thuật, các phân khu chức năng, các công trình đầu mối quan trọng trong Khu kinh tế. Chú ý bố trí hợp lý khu vực đô thị gắn với phát triển nhà ở cho công nhân, đảm bảo các hạ tầng đầy đủ như: Khu vực mua sắm, trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, các khu vực văn hóa thể thao, vui trơi giải trí. Đặc biệt chú ý các công trình xử lý chất thải rắn, nước thải tại Khu kinh tế, các khu công nghiệp.

Đồng thời tăng cường quản lý đầu tư xây dựng gắn với bảo vệ môi trường; yêu cầu trong từng nhà máy phải có hệ thống xử lý chất thải cho phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi thải ra khu xử lý chung, thải ra môi trường; trong từng khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung và phải được xử lý trước khi thải ra môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành; tăng cường bảo đảm an toàn trong quá trình đầu tư xây dựng, vận hành chạy thử và hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý về xả thải nước thải ra môi trường; yêu cầu các trạm xử lý nước thải của các nhà máy lớn có nguy cơ xả thải gây ô nhiễm môi trường phải được đánh giá về công nghệ và nghiệm thu trước khi hoạt động (Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì Hội đồng nghiệm thu; Hội đồng nghiệm thu được thuê tư vấn trong và ngoài nước đánh giá về các yếu tố đầu vào, đầu ra, công nghệ xử lý và các yêu cầu cần thiết đảm bảo xử lý đạt các yêu cầu về bảo vệ môi trường).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu xây dựng và các cơ quan liên quan có giải pháp đẩy mạnh tiến độ thi công dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ đàm phán các dự án BOT điện tại Trung tâm điện lực Nghi Sơn để sớm triển khai dự án theo tiến độ tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các đơn vị liên quan tổ chức giao ban định kỳ kiểm điểm tiến độ các dự án đang triển khai trong Khu kinh tế Nghi Sơn, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ.

Các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn trong việc rà soát các quy hoạch liên quan và hoàn thiện quy hoạch điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn, trình duyệt theo quy định.

Xây dựng phương án đầu tư đường cao tốc Bắc Nam phía Đông

Trong những năm qua, hạ tầng kinh tế-xã hội nói chung và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng đã được quan tâm đầu tư, đã đưa vào khai thác 746 km đường cao tốc và hoàn thành các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên... góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; so với các nước trong khu vực còn nhiều hạn chế, là rào cản lớn trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Để tạo nền tảng xây dựng đất nước sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đòi hỏi trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, trong đó tập trung cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông.

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, để đạt được mục tiêu nêu trên, đồng ý sự cần thiết và quan điểm "không thể trì hoãn" việc thực hiện; cần khẩn trương xây dựng phương án đầu tư và dành nguồn lực ngân sách thỏa đáng, đồng thời tạo cơ chế thích hợp để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó vốn tham gia của nhà nước tối đa 40% tổng mức đầu tư dự án cùng với việc huy động các doanh nghiệp trong nước cần khuyến khích, ưu tiên sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án phát triển đường cao tốc quốc gia, trong đó tập trung tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2016.

Phó Thủ tướng lưu ý, việc xây dựng Đề án tập trung làm rõ sự cần thiết đầu tư hệ thống đường cao tốc quốc gia nói chung và tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông nói riêng; đánh giá những việc làm được và chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc trong việc thu xếp nguồn vốn đầu tư và triển khai các dự án hạ tầng giao thông.

Mục tiêu và các giải pháp cần thực hiện, trong đó làm rõ cơ chế huy động nguồn lực; cân đối nhu cầu vốn đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn; khả năng thu xếp vốn (trái phiếu Chính phủ; ODA và vốn vay ưu đãi; vốn chủ sở hữu, vốn vay của nhà đầu tư trong và ngoài nước); cơ chế tham gia vốn của Nhà nước và cơ chế quản lý, kiểm soát chất lượng của toàn dự án (nếu tách phần hỗ trợ của Nhà nước thành hợp phần riêng); tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; các cơ chế, chính sách cần thiết để thu hút nhà đầu tư và tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tính toán mức phí và thời gian thu phí của từng dự án.

Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính giao một bộ phận thường trực để xử lý các vấn đề liên quan đến Đề án nêu trên, kịp thời báo cáo Bộ trưởng các Bộ xem xét, giải quyết.

Tập trung cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279B, tỉnh Điện Biên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải tập trung nguồn lực để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279B, tỉnh Điện Biên đã được phê duyệt.

Phó Thủ tướng lưu ý, việc đầu tư các hạng mục bãi đỗ xe, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật sẽ được xem xét sau khi có đánh giá đầy đủ về tình hình sử dụng vốn đầu tư Dự án.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Quốc lộ 279B dài 11,5 km là tuyến nối Quốc lộ 279 với khu di tích lịch sử Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Tuyến đường hiện ở tiêu chuẩn thấp (đường cấp VI-miền núi), mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông./.

Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)