Mới đây, Hà Nội cũng đã có động thái tích cực khi mong muốn các chủ đầu tư cùng Nhà nước gỡ rối tình trạng này. Đó là tăng cường hút 316.800 tỷ đồng (gần 15 tỷ USD) từ các doanh nghiệp bất động sản để lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ 10 khu chung cư cũ.
Từ khía cạnh của một nhà chuyên môn, Nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội PGS.TS Vũ Thị Vinh nhận định, việc làm trên đã thể hiện sự trăn trở và quan tâm của Hà Nội đối với vấn đề nhiều khó khăn và phức tạp này.
Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa tái thiết 10 dự án chung cư cũ, thiết nghĩ Hà Nội cần có những chính sách cụ thể và quyết liệt.
Cần lập quy hoạch chi tiết
Theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, để có thể hiện thực hóa tái thiết 10 dự án chung cư cũ, Thành phố cần lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu với xác định rõ các chỉ tiêu điều chỉnh và đặc thù từng khu.
Theo đó, cấu trúc khu chung cư cải tạo không lệ thuộc nhiều vào mô hình tiểu khu nhà ở cũ mà có thể áp dụng khu ở đa năng. Trên cơ sở đó cân đối lợi ích đầu tư trong phạm vi cả Thành phố để có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và người dân.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Vũ Thị Minh, Khoa Bất động sản và Kinh tế Tài nguyên, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần thực hiện quy hoạch lại các khu chung cư một cách chi tiết, không phát triển, cải tạo một cách tự phát. Công bố các kế hoạch thực hiện từng khu một cách minh bạch.
“Công việc này nhất thiết phải thực hiện để tạo lòng tin cho người dân tại các chung cư cũ cũng như những người có nhu cầu mua căn hộ trong tương lai. Cần coi khu chung cư cũ là điểm đẹp hấp dẫn người chủ sở hữu bất động sản khu vực này, tạo tính thương mại cao cấp cho bất động sản tại các vị trí đắc địa này”, bà Minh nhấn mạnh.
Đồng thời, nên thực hiện công tác quy hoạch nhà ở 5 năm một lần, trong đó xác định rõ từng khu vực quy hoạch phải phù hợp với từng quận, phường và của Thành phố. Hàng năm có kế hoạch cụ thể về diện tích nhà ở cho từng nhóm đối tượng. Từ đó, xác định mục tiêu nhóm đối tượng và hỗ trợ đúng các nhóm đối tượng về nhà ở tại chung cư cũ.
Tháo ‘nút thắt’ về vốn
Thực tế, trong những năm qua, để hoàn thành xây mới 14 tòa nhà chung cư (thực hiện công việc tái định cư và làm thương mại), Thành phố đã phải huy động sự tham gia tích cực và nguồn vốn của các bên bao gồm cư dân chung cư, nhà nước và chủ đầu tư.
Theo PGS. TS Vũ Thị Minh, nguồn vồn từ người dân đã được huy động tối đa trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Tại một số khu chung cư cũ, người dân đã tham gia tích cực trong hoạt động đầu tư, xây dựng lại chỗ ở cho chính hộ. Điều này được thể hiện trong các giai đoạn nộp tiền theo tiến độ của dự án. Những hộ không đủ khả năng định cư tại chỗ cũng đã sẵn sàng nhận tiền đền bù và di dời.
Bên cạnh đó, Chính quyền Thành phố đã tích cực hỗ trợ công tác triển khai thực hiện dự án thông qua cơ chế giảm các khoản thu đối với các chủ đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế,.... Các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đầu tư bất động sản cải tạo, xây mới các chung cư đã tính toán, lập kế hoạch nguồn vốn, xác định mức lãi suất kỳ vọng theo đúng quy định đối với nhóm ngành đầu tư đặc biệt nên đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư.
Mặc dù vậy, trong hơn 10 năm mới chỉ có 14 tòa nhà chung cư được cải tạo, xây mới là kết quả rất hạn chế. Theo các chuyên gia, nên thu hút tối đa các các doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư vào phát triển diện tích sàn trong và ngoài nhà chung cư được dự án nhượng lại quyền phát triển để dùng vào mục đích kinh doanh.
Với TP Hà Nội, xây dựng cơ chế chính sách về vốn cho cải tạo, xây mới chung cư cũ cần có chiến lược cụ thể gắn với quy hoạch Thủ đô. Bà Minh cho rằng, Hà Nội cần xây dựng chính sách ưu đãi về lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản tại các khu vực chung cư cũ, khuyến khích doanh nghiệp mua phần diện tích quy hoạch trong khuôn viên chung cư cũ để xây dựng các trung tâm thương mại nhằm tạo tiền đề phát triển nhà ở tại khu vực này. Do đó nên áp dụng nguyên tắc hỗ trợ thông qua hình thức cho các chủ đầu tư vay tiền với lãi suất ưu đãi để xây dựng nhà chung cư cũ và hỗ trợ tài chính về thuế để có thể giảm giá nhà ở.
Đồng thời, cần lập quỹ vốn nhà ở để hỗ trợ các đối tượng mua nhà chung cư cũ; chủ động cung cấp nhà ở cho nhóm đối tượng tại các chung cư cũ không có khả năng tái định cư tại chỗ, tiếp cận nhà ở xã hội.
Theo Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Ths Vũ Đức Bảo, vốn đầu tư cho hoạt động cải tạo và xây mới chung cư cũ là khá lớn nhưng không có nghĩa là không có giải pháp thu hút vốn. Với diện tích khu chung cư nằm tại vị trí trung tâm cần xác định diện tích quy hoạch lại để thực hiện đấu giá đất công khai để tạo nguồn thu cho tái đầu tư phát triển các khu vực.
“Thu hút vốn là vấn đề khó nhưng khi cùng đồng lòng trong vấn đề đầu tư và có trách nhiệm trong triển khai thực hiện thì việc người dân bỏ vốn đầu tư xây mới là có khả thi. Cần xây dựng lòng tin trong cải tạo chung cư cũ thông qua thực hiện triệt để các bước công việc theo đúng tiến độ chúng ta sẽ có khả năng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất khu vực trung tâm”, ông Bảo cho biết.
Theo chinhphu.vn