Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thứ ba, 14/06/2016 10:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/6.

Hỗ trợ huấn luyện người lao động

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động vừa được Chính phủ ban hành.

Trong đó, Nghị định quy định hỗ trợ huấn luyện người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Cụ thể, đối tượng được ưu tiên hỗ trợ chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng làm việc không theo hợp đồng lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Mỗi đối tượng được hỗ trợ chi phí huấn luyện 1 lần đối với một công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; đối tượng được hỗ trợ khi tham gia đầy đủ chương trình, thời gian huấn luyện, được kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu và được cấp thẻ an toàn; việc hỗ trợ được thực hiện trực tiếp cho người lao động hoặc hỗ trợ thông qua Tổ chức huấn luyện.

Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế của khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng không quá 50% mức lương cơ sở/người/khóa huấn luyện theo quy định của Chính phủ tại thời điểm huấn luyện.

Nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Hằng năm, căn cứ mức hỗ trợ quy định nêu trên và dự kiến số người lao động tham gia huấn luyện, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp lập dự toán kinh phí hỗ trợ huấn luyện, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí hỗ trợ huấn luyện cho các đối tượng quy định trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Việc lập dự toán, phân bổ, giao dự toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ huấn luyện được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
 
Bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định bổ nhiệm ông Lê Tiến Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Lê Tiến Châu từng giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Tư pháp; Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.
 
Trợ cấp 1 lần cho người có thành tích tham gia kháng chiến

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ được trợ cấp một lần.

Cụ thể, mức trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 1.815.000 đồng.

Mức trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen của cấp bộ, Bằng khen của cấp tỉnh là 1.210.000 đồng.

Quyết định nêu rõ, người có bằng khen đã từ trần mà chưa được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định này thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp theo quy định trên. Không giải quyết mức trợ cấp một lần đối với người tham gia kháng chiến được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến.

Cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương có trách nhiệm chi trả trợ cấp theo quy định trên.
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp gồm: 1- Bản khai cá nhân của người được tặng Bằng khen. Trường hợp người có bằng khen đã từ trần, Bản khai cá nhân của đại diện thân nhân kèm biên bản ủy quyền (theo Mẫu UQ ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013). Thân nhân của người có bằng khen từ trần là một trong những người sau: vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi của người từ trần.

2- Bản sao một trong các giấy tờ sau: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của cấp bộ, Bằng khen của cấp tỉnh hoặc Quyết định khen thưởng.

Người có bằng khen hoặc đại diện thân nhân lập bản khai kèm giấy tờ quy định trên gửi UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người có bằng khen (hoặc UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu cuối cùng của người có bằng khen đã từ trần).
 
Lâm Đồng phấn đấu đi đầu trong khởi nghiệp

Lâm Đồng phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong khởi nghiệp, phấn đấu tăng nhanh số doanh nghiệp ít nhất gấp 2 lần hiện nay, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu có tối thiểu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Đây là một trong những nhiệm vụ được nêu tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Cũng tại thông báo này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Lâm Đồng khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các viện, trường, cơ sở nghiên cứu mời các doanh nghiệp đến tham quan, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư.

Đồng thời cập nhật tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán vừa qua để điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Cần tính toán, điều chỉnh lại cơ cấu đất đai phù hợp với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, định hướng phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện tốt quy hoạch đô thị, môi trường, các khu du lịch trọng điểm gắn với liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Thực hiện tốt các giải pháp khắc phục thiệt hại do nắng hạn cả trước mắt và lâu dài, trong đó: Tập trung làm tốt việc bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao độ che phủ; đồng thời huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các hồ đập hiện có, xây dựng mới một số hồ đập cấp bách với quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu nước sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.

Phát triển Đà Lạt xanh và bền vững

Về “Chương trình phát triển Đà Lạt xanh và bền vững”; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, tỉnh Lâm Đồng lập các dự án cụ thể theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định có liên quan, sắp xếp thứ tự ưu tiên, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, tổng hợp chung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016 - 2020), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Lâm Đồng phân công xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, gắn với việc tiếp tục tạo dựng, phát huy “thương hiệu Đà Lạt”. Các bộ, ngành quan tâm, phối hợp, hỗ trợ Lâm Đồng thực hiện có hiệu quả Quyết định này.

Về vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thông tin, điện, nước, hệ thống xử lý chất thải...) trong và ngoài hàng rào của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, tỉnh Lâm Đồng hoàn thiện Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Đối với vốn đầu tư các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho cà phê, chè ô long, rau, hoa và chăn nuôi bò sữa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Lâm Đồng xây dựng các dự án cụ thể và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của tỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tỉnh Lâm Đồng chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
 
Đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT

Thủ tướng Chính phủ vừa có  ý kiến chỉ đạo về việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và triển khai tin học hóa trong giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Cụ thể, về việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHYT, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020, hoàn thành trước ngày 30/6 tới. Trong thời gian chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm thời căn cứ quy định tại Điều 1, Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015 làm căn cứ lập danh sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các địa bàn này từ ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối và kịp thời đảm bảo ngân sách mua thẻ BHYT cho các đối tượng nói trên theo quy định. Đồng thời phối hợp với Bộ Y tế xây dựng cơ chế, lộ trình hỗ trợ kinh phí cho người dân tham gia BHYT từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách và các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT nói chung, phát triển BHYT theo hộ gia đình nói riêng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu BHYT theo cơ chế dịch vụ công đối với tổ chức, đơn vị phù hợp với quy định của Luật BHYT, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT.

Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các hình thức tuyên truyền, vận động để người dân tích cực tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, đảm bảo trong năm tài chính có 100% thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT để được giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định của Luật BHYT. Phổ biến để người dân hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia BHYT, thông báo việc thu hồi phần kinh phí đã được giảm trừ mức đóng nếu đến hết năm tài chính mà các thành viên của hộ gia đình đó vẫn không tham gia đầy đủ.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trong đó tập trung hỗ trợ cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế, góp phần tăng tỷ lệ tham gia BHYT của các nhóm đối tượng này.

Đối với các tỉnh, thành phố có kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT năm 2015, ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính này để hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Bộ Y tế khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ và đảm bảo sự công bằng giữa những người có và không có BHYT, tạo động lực thúc đẩy người dân tích cực tham gia BHYT, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản.

Về việc tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành xây dựng, ban hành, cập nhật đầy đủ bộ mã dịch vụ y tế dùng chung về thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, mã bệnh tật và các thông tin phục vụ công tác quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT.

Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế, y tế các bộ, ngành phê duyệt đồng bộ, đầy đủ danh mục dịch vụ kỹ thuật tại các cơ sở khám chữa bệnh đúng quy định để thực hiện tin học hóa trong khám chữa bệnh.

Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện kết nối, liên thông, cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trên hệ thống mạng điện tử toàn quốc theo yêu cầu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hoàn thành trước ngày 30/6 tới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai, đảm bảo thiết lập hệ thống giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc trước ngày 30/6 tới.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện đúng các yêu cầu của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đảm bảo tiến độ tin học hóa công tác khám chữa bệnh BHYT nói chung, giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT nói riêng. Thực hiện việc liên thông dữ liệu với cơ quan bảo hiểm xã hội theo đúng tiến độ, nội dung chuyên môn theo quy định của hệ thống thông tin, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT./.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)