TPHCM là đô thị lớn với hơn 10 triệu dân, nhu cầu về nhà ở, nhất là nhà ở giá rẻ và xã hội cho người có thu nhập thấp là rất lớn, tuy nhiên, số người sở hữu nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ hiện còn còn quá ít so với nhu cầu.
Tại buổi tọa đàm “Cơ hội mua nhà nhà xã hội, nhà ở giá rẻ dành cho người thu nhập thấp" tổ chức ngày 8/6, các chuyên gia cho rằng, để phát triển thị trường nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Thành phố cần phải hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ kết hợp với phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, chứ không chỉ nằm ở việc hỗ trợ lãi suất.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea), thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ người dân có thu nhập thấp mua nhà, nhất là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, điều này có tác động rất lớn đến nhu cầu nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp.
Tuy nhiên, TPHCM là thành phố tập trung đông người nhập cư, xu hướng nhập cư sẽ tiếp tục tăng mạnh, chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở, nhất là nhà ở giá rẻ là rất cao. Để giải quyết nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng cao của người dân, Thành phố cần có những chính sách và cơ chế đặc thù đối với việc xây nhà ở xã hội.
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nhà ở xã hội, nhà giá thấp luôn có nhu cầu rất lớn và liên tục thiếu hàng. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ tại các khu vực đô thị hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn vì tiền đất quá cao. Doanh nghiệp chỉ có thể xây dựng chung cư cao cấp thì mới mong thu hồi được vốn.
Với TPHCM việc phát triển nhà ở xã hội còn khó bởi hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, các dự án thường xa trung tâm, đi lại không thuận tiện, nên không thu hút được sự quan tâm của người dân.
Theo ông Lịch, trong 5 năm tới nhu cầu nhà giá rẻ tại TPHCM cũng vẫn rất lớn. Chỉ riêng chương trình giải tỏa hơn 22.000 căn nhà trên kênh rạch, cải tạo gần 500 chung cư cũ... đã tạo ra một thị trường "mênh mông" cho các nhà đầu tư. Vấn đề ở đây là chính sách của Thành phố như thế nào để thu hút nhà đầu tư.
Ngoài ra, cần phải thống nhất quan điểm, Nhà nước nỗ lực để mọi người dân có chỗ ở, chứ Nhà nước không bảo đảm rằng, mọi người dân đều sở hữu nhà ở. Do đó, TPHCM cần tiếp tục có chính sách phát triển quỹ nhà cho thuê với một số đối tượng có nhu cầu cấp bách. Đồng thời, cần sử dụng các công cụ tài chính như thuế, lãi suất, thời gian vay... để bộ phận người dân thu nhập thấp được sở hữu nhà ở.
Sở Xây dựng TPHCM cho biết, từ năm 2006 đến nay, TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho 51 dự án, diện tích 150ha với khoảng 48.587 căn hộ.
Đến nay đã hoàn thành 12 dự án, quy mô là 3.886 căn. Trong đó vốn ngân sách nhà nước dành cho 6 dự án, quy mô 586 căn hộ; 6 dự án ngoài ngân sách do các DN đầu tư, quy mô 3.318 căn hộ.
39 dự án còn lại sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2016-2020, quy mô 44.700 căn hộ. Trong 39 dự án này, có 8 dự án đã khởi công, 12 dự án chấp thuận đầu tư, 9 dự án đã được công nhận chủ trương đầu tư.
Dự kiến trong năm 2016 sẽ hoàn thành tiếp 4 dự án với 1.764 căn hộ; đẩy nhanh tiến độ 5 dự án, quy mô 2.460 căn hộ và khởi công 6 dự án mới.
Theo chinhphu.vn