Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thứ hai, 06/06/2016 10:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/6/2016.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư phạt đến 80 triệu đồng

Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định tại Nghị định này bao gồm các hành vi: Vi phạm quy định trong lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; vi phạm quy định trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài; vi phạm quy định trong lĩnh vực quản lý đấu thầu; vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư chưa được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: Phạt cảnh cáo; phạt tiền. Mức phạt tiền cao nhất đối với tổ chức là 80 triệu đồng. Cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2016 và thay thế Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Nhân sự Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa có các quyết định về nhân sự tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định 979/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thay ông Nguyễn Văn Bình đã nhận công tác khác.

Tại Quyết định 929/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (thay ông Nguyễn Quang Dũng, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6/2016).

Tại Quyết định 976/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thôi giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tại Quyết định 977/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thôi giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tại Quyết định 978/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thôi giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tăng cường ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Theo thống kê, có khoảng 30% số vụ nổ là do người dân tự ý thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, tháo gỡ bom đạn. Số còn lại là các tai nạn xảy ra khi trẻ em hoặc người dân sinh sống, lao động, canh tác tại các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ nặng vô tình tác động vào và gây nổ. Điển hình gần đây nhất là các vụ nổ bom sót lại sau chiến tranh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: Vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội ngày 19/3/2016 làm 5 người chết và hơn 10 người bị thương; vụ nổ tại Bãi Dinh, buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên ngày 14/5/2016 làm 3 người chết. Các loại bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh do người dân phát hiện, thu lượm được, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát nổ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân, phá hoại an ninh trật tự và tạo điều kiện cho việc mua bán, tàng trữ, sử dụng bom mìn, vật liệu nổ trái phép.

Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa nhận thức được về tác hại, mức độ nguy hiểm, sức công phá của bom mìn, vật nổ; công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong việc thu mua, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ chưa được tiến hành đồng bộ và kịp thời, còn tình trạng buông lỏng quản lý ở cấp cơ sở; việc xác định những khu vực ưu tiên rà phá bom mìn chưa đồng bộ với việc huy động sử dụng tập trung, hiệu quả các nguồn lực của Trung ương và địa phương, chưa phối hợp huy động được nhiều nguồn lực quốc tế.

Để ngăn chặn, tiến tới nhanh chóng giảm thiểu tới mức tối đa các vụ tai nạn thương tâm do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Chương trình 504), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị (chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên trên các địa bàn thường xảy ra tai nạn bom mìn trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Xử lý vi phạm mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm về thu gom, mua bán, tàng trữ, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, quy định, hướng dẫn có liên quan đến quản lý Nhà nước; phát hiện và xử lý các vi phạm về thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đồng thời tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan nhất là UBND cấp xã trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân khi thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Bên cạnh đó tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án rà phá bom mìn, ưu tiên cho các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng, gắn với việc bảo đảm an toàn cho nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tuyến biên giới Việt - Trung, các khu kinh tế cửa khẩu, các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng và hay xảy ra tai nạn.

Nghiên cứu đề xuất các mô hình phối hợp, lồng ghép để hỗ trợ nạn nhân bom mìn; ưu tiên nâng cấp các trạm y tế quân dân y kết hợp tại vùng sâu, vùng xa, vùng ô nhiễm bom mìn nặng để cứu chữa kịp thời nạn nhân khi xảy ra tai nạn do bom mìn, vật nổ.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn

Để triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 khẩn trương rà soát, tư vấn đề xuất với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo 504 các công việc cần ưu tiên làm ngay từ năm 2016 và kế hoạch thực hiện Chương trình 504 giai đoạn 2016 - 2020. Nghiên cứu đề xuất các mô hình phối hợp vận động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ phù hợp với yêu cầu của các nhà tài trợ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên trên các địa bàn thường xảy ra tai nạn bom mìn trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là các khu vực có mức độ ô nhiễm bom mìn nặng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng tăng cường năng lực, điều kiện bảo đảm cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Chương trình 504 và đáp ứng yêu cầu vận động tài trợ quốc tế; kiện toàn các lực lượng quân đội chuyên trách tham gia rà phá bom mìn theo hướng tăng cường huấn luyện, củng cố, đầu tư mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Chương trình 504.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với chính quyền cấp cơ sở và cơ quan quân sự trong huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện trong tiếp nhận, thu gom, quản lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc người dân thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có nguy cơ gây tai nạn, vi phạm các quy định của pháp luật liên quan.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các tổ chức Đoàn thể Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình địa phương và các cơ quan truyền thông theo chức năng được giao, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND cấp huyện, xã phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến việc người dân thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có nguy cơ gây tai nạn.

Tổng kết 20 năm Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996 - 2016).

Chỉ thị nêu rõ, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 27/8/1996 và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 09/9/1996; trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, đã quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, ban hành hệ thống văn bản để triển khai, thực hiện Pháp lệnh đồng bộ, hiệu quả. Công tác đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật thuộc diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội đã đi vào nền nếp; số lượng quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật cơ bản được đăng ký, quản lý ở hai cấp (cấp huyện và cấp xã).

Kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên được xây dựng thống nhất ở các cấp; đến nay đã sắp xếp đủ các đầu mối tổ chức đơn vị dự bị động viên, quân số đạt 91%, phương tiện kỹ thuật đạt 98,5% trở lên so với chỉ tiêu được Chính phủ giao. Hằng năm thực hiện chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên ở cơ sở đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai, tổ chức thực hiện Pháp lệnh còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Số lượng nguồn động viên tuy lớn nhưng mất cân đối theo vùng, miền, địa bàn chiến lược; chất lượng nguồn (chuyên nghiệp quân sự) chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức các đơn vị dự bị động viên; số lượng sĩ quan dự bị xếp vào các đơn vị dự bị động viên còn thiếu, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự thấp. Cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên...

Để làm cơ sở xây dựng Dự án Luật lực lượng dự bị động viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trong phạm vi toàn quốc (1996 - 2016).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nội dung tổng kết cần đánh giá đầy đủ, khách quan những kết quả đạt được, những hạn chế, làm rõ nguyên nhân bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; đề xuất chủ trương giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lực lượng dự bị động viên; tiến hành khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trong những năm qua.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị) và gửi báo cáo về UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thời gian hoàn thành trước ngày 30/7/2016.

UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) tổ chức hội nghị tổng kết, do UBND chủ trì hội nghị. Việc tổ chức tổng kết ở cấp huyện, báo cáo về cấp tỉnh trước ngày 31/8/2016; cấp tỉnh tổng kết, báo cáo về Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng) xong trước ngày 31/10/2016.

Các đơn vị quân đội (từ cấp sư đoàn, lữ đoàn và tương đương trở lên), tổ chức hội nghị tổng kết do người chỉ huy chủ trì, báo cáo cấp trên (theo phân cấp) trước 31/10/2016.

Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị), báo cáo về Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng) trước ngày 30/9/2016.

Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị tổng kết do Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, hoàn thành công tác tổng kết trong quý 4/2016.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hướng dẫn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng lực lượng dự bị động viên.

Đổi tên Ban Quản lý KKT Nghi Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định đổi tên Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa thành Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 965/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa và sáp nhập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa vào Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện việc quản lý xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quy chế hoạt động, quy hoạch, kế hoạch và tiến độ thực hiện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Hỗ trợ quy hoạch đô thị xanh tại Thái Nguyên, Kiên Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.

Dự án trên được thực hiện ở đô thị Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên và thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang với hạn mức vốn là 7,15 triệu USD.

Dự án sẽ đóng góp thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và nâng cao năng lực quy hoạch đô thị xanh; đánh giá, nghiên cứu tổng thể quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị tại Việt Nam; xây dựng bộ chỉ số đánh giá đô thị xanh; phát triển hệ thống hỗ trợ quyết định trong quy hoạch đô thị xanh và hoàn thiện khung pháp lý về quy hoạch đô thị xanh cho Việt Nam.

Dự án cũng xây dựng mô hình thí điểm hệ thống hỗ trợ quyết định trong quy hoạch đô thị xanh cho đô thị Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên và thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản dự án.

Khẩn trương báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Trong những tháng đầu năm 2016, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, trong đó có nguyên nhân liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm.

Để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Cụ thể, các cơ quan báo cáo về tình hình giải ngân kế hoạch vốn năm 2016; khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; nguyên nhân (trình tự, thủ tục đầu tư, tổ chức thực hiện, các nguyên nhân khác); kiến nghị giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 6/6/2016. Cơ quan nhận báo cáo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo của các Bộ, cơ quan và địa phương nêu trên; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2016.

Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 3.762 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện Đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa bảo đảm được lương thực giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện Thường Xuân.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa sử dụng số gạo được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, không trùng lặp với các chính sách hỗ trợ lương thực khác trên địa bàn.

Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thống nhất số lượng gạo trợ cấp hàng năm theo nhu cầu thực tế, bảo đảm tổng số lượng gạo xuất cấp trong 5 năm không vượt quá tổng số lượng gạo cấp cho Đề án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ gạo cho tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 3.874,77 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Ninh Thuận để hỗ trợ cứu đói do hạn hán gây ra.

Đây là lần thứ hai trong năm 2016 tỉnh Ninh Thuận được hỗ trợ gạo. Trước đó, tỉnh Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 2.092,215 tấn gạo vào tháng 1/2016.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định./.

Theo Chính phủ.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)