Quy hoạch chi tiết 4 khu vực
Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) vừa được TP Hà Nội công bố mới đây đáp ứng sự mong mỏi của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, cụ thể hóa những định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những điểm nổi bật của quy hoạch là việc tìm giải pháp bảo tồn, tôn tạo khu di sản từ việc xác định vùng đệm bảo tồn được mở rộng thêm về phía Bắc và Nam với tổng diện tích là 116,1ha. Giải pháp về không gian được định hướng kết nối các di sản, di tích, kiến trúc trong không gian cảnh quan chung, bố trí khu vực chức năng phụ trợ phục vụ công tác quản lý khu di tích và kết nối hạ tầng đồng bộ với khu Trung tâm chính trị Ba Đình và các khu vực xung quanh.
4 khu vực được nêu ra các giải pháp chi tiết là: Khu vực từ Cột cờ tới Đoan Môn được xác định với các chức năng đón tiếp và tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng; khu vực từ Đoan Môn tới Hậu Lâu tập trung nhiều di tích các thời kỳ là khu tham quan giới thiệu chính của khu di sản; khu vực Hậu Lâu tới Bắc Môn là khu vực triển lãm chuyên đề và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với tính chất là khu công viên khảo cổ nơi trưng bày các di tích phát lộ khảo cổ học. Cụ thể, khu vực từ Cột cờ tới Đoan Môn sẽ được bảo quản, trùng tu phần thân đế bị thực vật, rêu mốc xâm hại của Cột cờ nhưng bảo đảm vẫn giữ được nét cổ kính. Đồng thời, quy hoạch cũng đặt mục tiêu dỡ bỏ các công trình tạm, di dời nhà hàng dưới chân Cột cờ để mở rộng không gian, tầm nhìn quanh khu vực này. Không gian tại khu vực này sẽ không được làm nơi gửi, đỗ xe.
Từ Đoan Môn tới Hậu Lâu sẽ bảo tồn di tích Đoan Môn, di tích thềm Rồng và nền điện Kính Thiên, di tích cách mạng nhà D67 và hầm D67, Hậu Lâu khi có đủ các dữ liệu lịch sử, các bằng chứng nguyên gốc. Khu nhà hai bên nền điện Kính Thiên xây mới sau này hiện đang sử dụng làm nhà làm việc tạm thời của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Khu vực từ Hậu Lâu tới Bắc Môn được bảo tồn di tích Bắc Môn, khôi phục trục không gian kết nối 2 di tích Bắc Môn và Hậu Lâu, khôi phục lối đi qua 2 cổng hành cung để kết nối trực tiếp với Hậu Lâu. Đồng thời, tu bổ, tôn tạo các công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật được xây dựng thời Pháp thuộc để chuyển đổi chức năng thành nhà triển lãm trưng bày, lưu trữ tài liệu, hiện vật và nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long. Với khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu tiếp tục được triển khai theo nội dung Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2012 và triển khai các phương án bảo vệ, bảo quản và trưng bày giới thiệu các khu vực khảo cổ học đã được phát lộ.
Ưu tiên đầu tư một số hạng mục
Theo Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500), giai đoạn 1 từ nay đến 2020, Hoàng thành Thăng Long được bảo tồn, trùng tu cho nhiều công trình như: Cột cờ; Đoan Môn; nền điện Kính Thiên; Hậu Lâu; tường và các cổng hành cung; Bắc Môn; Hầm Cục tác chiến; nhà con Rồng; Nhà hầm D6; các nhà trưng bày và kho hiện vật… Tiêu chí lựa chọn với các hạng mục ưu tiên phát triển với các công trình bảo tồn nguyên vẹn là những công trình trọng điểm, điểm nhấn về giá trị lịch sử và cảnh quan cho khu vực, các di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật được công nhận. Với công trình chuyển đổi chức năng yêu cầu còn giữ được hình thức kiến trúc tốt, bảo đảm không gian để khi chuyển đổi chức năng đáp ứng phù hợp.
Riêng công trình dự kiến xây mới phải bổ sung thêm cảnh quan quy hoạch của khu di tích, bổ sung chức năng sử dụng làm nơi làm việc. Kiến trúc mới phải bảo đảm sự hài hoà với không gian và các di tích. Theo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là khu vực đặc biệt, bởi tại đây gồm nhiều loại hình di chỉ (công trình, di vật, di cốt…) của nhiều giai đoạn lịch sử chồng xếp lên nhau. Đa số các công trình di tích lịch sử, di tích cách mạng, kiến trúc Pháp và các di chỉ khảo cổ học còn nằm dưới lòng đất chưa có điều kiện khai quật. Do vậy, những giải pháp quy hoạch được công bố mang tính chất “mở” để khi có cơ hội và điều kiện tốt hơn có thể tiến hành các bước nghiên cứu tiếp tục lâu dài, đây sẽ là khu vực thực hiện đồng thời 3 hoạt động Khảo cổ - Bảo tồn - Trưng bày giới thiệu.
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long có diện tích 18,353 ha bao gồm Khu thành cổ Hà Nội và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản đã được UNESCO công nhận là 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích. Trong đó, Khu di tích 18 Hoàng Diệu là minh chứng không thể phủ nhận về một quần thể nền móng của các công trình kiến trúc phong phú, đa dạng thuộc nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen bắt đầu từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX, hiện diện bởi các di tích nền móng kiến trúc, giếng nước, cống nước và dấu vết của các ao hồ, sông đào…
Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được đánh giá có ý nghĩa lớn trong giáo dục truyền thống, bảo tồn di sản văn hoá, khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và quảng bá hình ảnh Hà Nội tới các quốc gia trong khu vực và thế giới. Ý tưởng chủ đạo của Quy hoạch Hoàng thành Thăng Long là tạo lập hình ảnh đặc trưng cho Khu di tích mang bề dày văn hóa tiêu biểu hiếm có của Quốc gia và thế giới với tính chất của một công viên văn hoá lịch sử. Đây sẽ là hình ảnh tiêu biểu cho lịch sử hình thành phát triển của dân tộc cũng như nghệ thuật quy hoạch, xây dựng kiến trúc kinh thành của người Việt. Việc lập quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị Khu di tích này là cơ sở pháp lý và khoa học cho mọi hoạt động quản lý, đầu tư tu bổ tôn tạo cũng như khai thác và sử dụng.
Theo hanoi.gov.vn