Bởi ngoài xây nhà, chọn vị trí, các DN BĐS đã biết đưa nhiều lợi ích cho khách hàng qua những khuyến mãi, dịch vụ, tiện ích”. Còn theo các chuyên gia, sự biến động về mặt chính sách phần nào buộc DN định hướng phát triển bền vững hơn và hướng tới người mua nhà hơn là “chạy đua” lợi nhuận.
Giao dịch đa dạng
Theo Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, các thành phần tham gia thị trường BĐS ngày một đa dạng và bài bản. Cung - cầu trên thị trường phát triển nhanh, các giao dịch được chuyên nghiệp hóa trên các sàn... là yếu tố cần thiết để có thể thực hiện hiệu quả việc mua lại các dự án BĐS mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc giao dịch không chỉ ở phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội mà lan tỏa tất cả các phân khúc nhà ở từ biệt thự, biệt thự nghỉ dưỡng, đất nền, resort… Hình thức giao dịch BĐS cũng rất phong phú. Nếu trước đây khách mua chủ yếu để ở thì cuối quý IV/2015 và đầu năm 2016 xu hướng phát triển sản phẩm BĐS đa dạng hơn với nhiều hình thức mua, thuê nhà ở kết hợp văn phòng, hoàn thiện, bán hoặc mua để nghỉ kết hợp cho thuê. Hiện nay, số dư nợ BĐS chiếm gần 10%, với khoảng 400.000 tỷ đồng và ngân hàng cũng đang có động thái quản lý chặt chẽ hơn thị trường khi đưa ra Thông tư 36. Do đó, ông Nguyễn Trần Nam khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần điều chỉnh trên cơ sở xem xét BĐS như một động lực giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và các ngành khác, để trở thành thị trường mang tính đầu kéo quan trọng.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn NovaLand Vũ Thị Như Xuân đánh giá sự biến động của chính sách mặc dù khiến các DN BĐS phải trải qua thời gian khó khăn, nhưng lại sàng lọc các DN nghiệp dư, làm ăn gian dối, chộp giật. Những DN xác định làm ăn lâu dài, vì cộng đồng thì đã vượt qua khó khăn, và có ý thức hướng đến khách hàng nhiều hơn. Sản phẩm BĐS cũng hướng cung gặp cầu nhiều hơn.
Quay về giá trị thật?
Trả lời phóng viên về vấn đề giá BĐS đã dần quay về giá trị thật chưa? Ông Nguyễn Trần Nam nhận định: “Giá BĐS sắp tới ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung khó có thể giảm. Một số chuyên gia nghiên cứu đánh giá cho rằng giao dịch tăng nhưng giá không tăng do còn lượng tồn kho khá lớn. Hiện tại so với thời điểm “bong bóng”, giá đã giảm 40 - 50% gần về giá trị thực. Dự báo năm 2018, có thể giá sẽ tăng, lúc đó hàng tồn kho cơ bản hết. Đồng nghĩa, lợi nhuận của các nhà BĐS không còn như trước đây, chỉ 10 - 20%.”
Dưới góc độ DN, ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch VinGroup cho rằng, giá trị của sản phẩm BĐS còn phụ thuộc nhiều vào tiện ích mà sản phẩm đó mang lại dựa trên nhu cầu của khách hàng, được sàng lọc bởi khách hàng. Thời mua nhà chỉ để ở đã qua rồi. Mà người dùng quan tâm tới chỗ ở có chỗ vui chơi, giải trí, có trường học hay không…?
Báo cáo của Bộ Xây Dựng mới đây chỉ rõ, diện tích nhà ở trung bình hiện nay là 20m2/người, tương lai sẽ quy hoạch là 30m2/người. Đến 2020 - 2025 sẽ đạt tới 45%. Như vậy tiêu chuẩn nhà ở ngày càng phát triển, thị trường rõ ràng sẽ phát triển hơn. Theo các chuyên gia, các nhà chính sách phải hướng các nhà đầu tư vào những điểm phù hợp phát triển. Có những dự án ở vị trí đắc địa 100 triệu đồng/m2 nhưng vị trí ở khu giao thông chưa tốt, xây dựng chưa tốt. Các DN cần phải chú ý về cây xanh như thế nào, bãi đỗ xe ra sao… Không thể tách rời nhà ở ra khỏi đô thị. Khi nói đến phát triển, phải hướng đến đô thị xanh, nhà ở thông minh và cả TP thông minh. “Việc đưa ra tiêu chí này, được bắt nguồn từ khi thị trường BĐS đóng băng, dẫn đến bị mất nhiều chi phí đầu tư vào các công trình dang dở, tạo nợ xấu và gây áp lực cho thị trường. Do đó, việc phát triển theo hướng tạo ra giá trị thực được đặt ra trên cơ sở như vậy. Sản phẩm BĐS phải đảm bảo giá trị theo thời gian, văn hóa, kiến trúc, tạo ra giá trị sớm. Chúng ta phải có đóng góp tuân thủ quy hoạch của Nhà nước. Chủ đầu tư cần song hành và chịu trách nhiệm chính, tránh sai, thiếu, cùng với nhà thầu tạo ra sản phẩm có chất lượng” – Tổng Giám đốc Đại Quang Minh Trần Bá Dương lý giải.
Theo Kinh tế và Đô thị