Thận trọng khi “siết” tín dụng bất động sản

Thứ sáu, 18/03/2016 13:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Doanh nghiệp (DN) lo lắng tình trạng “siết” vốn tín dụng theo Thông tư 36 có thể khiến thị trường bất động sản (BĐS) chao đảo, còn các ngân hàng thì lo ngại vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao sẽ gây rủi ro cho các tổ chức tín dụng và chính lĩnh vực nhà đất. Nên hay không nên “siết” chặt tín dụng BĐS trong thời điểm này? Đó là chủ đề đặt ra tại hội thảo “Sửa đổi thông tư 36: Thị trường BĐS được gì và mất gì?” diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh.

Nhiều doanh nghiệp BĐS ở TP Hồ Chí Minh lo lắng khi tín dụng BĐS bị "siết" chặt. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu thông tin tại một dự án BĐS.

Thị trường sẽ bị ảnh hưởng

Theo Giám đốc điều hành Công ty Bản Việt Land Đinh Duy Trinh, hiện nay, phần lớn nguồn vốn cho việc phát triển dự án của DN là từ ngân hàng và khách hàng. Có một thực tế là tiền từ khách hàng mua BĐS phần lớn cũng vay từ ngân hàng. Do đó, việc “siết” tín dụng vào BĐS không chỉ gây khó khăn cho DN mà cho cả người dân. Ông Trinh khẳng định, thị trường BĐS mới hồi phục trong thời gian rất ngắn, nay với chính sách theo hướng giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% sẽ gây khó cho thị trường BĐS mới bước qua khỏi cơn “bạo bệnh”.

Mặc dù việc sửa đổi Thông tư 36 chưa chính thức được ban hành và áp dụng nhưng đã có tác động đến toàn thị trường. Các DN lo, khách hàng cũng lo lắng vì cơ hội tiếp cận tín dụng để vay phát triển dự án và mua nhà của DN và người dân sẽ khó hơn. Thậm chí, có nhiều DN đã công bố điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh theo hướng cắt giảm dự án, hạ chỉ tiêu kinh doanh...

Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, mục tiêu của Thông tư số 36 là để cảnh báo, phòng ngừa, kiểm soát tốt hơn các rủi ro tiềm ẩn và bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo vệ tốt nhất tiền gửi của người dân, đồng thời tăng trưởng tín dụng có hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, dự thảo đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, thị trường BĐS và tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường BĐS hiện nay.

Cũng theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, thị trường BĐS sau nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. Nay, nếu điều chỉnh Thông tư 36 như dự thảo, các điều kiện vay sẽ ràng buộc chặt chẽ hơn, lãi suất cũng có thể bị điều chỉnh tăng,… và yêu cầu mỗi DN phải điều chỉnh phương án kinh doanh của mình để phù hợp với các quy định mới của ngân hàng. Việc điều chỉnh này sẽ dẫn tới gia tăng dự án dở dang, tăng lượng hàng tồn kho, giảm cơ hội mua nhà chính đáng của người dân.

Cần lộ trình phù hợp

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Vũ Quang Phấn cho rằng, việc điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 36 là cần thiết để phòng ngừa rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường BĐS đang hồi phục tốt, chưa có dấu hiệu “bong bóng” cho nên chưa cần phải “phanh” gấp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40%, mà có thể ở mức 50%; tỷ lệ rủi ro cũng không nên nâng lên ngay 250% mà chỉ giữ ở mức 150%.

Theo ông Phấn, khi tín dụng “siết” đột ngột thì thị trường cũng thay đổi luôn. Nếu coi BĐS là rủi ro lớn thì có nguồn tiền cũng không ai dám cho vay. Nguồn không có thì nới lỏng điều kiện cho vay cũng không có tiền mà vay.

Tổng Giám đốc Công ty BĐS Hưng Lộc Phát Phạm Lê Tuấn cũng cho rằng, việc đột ngột “siết” chặt tín dụng BĐS sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường. Theo ông Tuấn, khi phát triển dự án, công ty của ông chỉ sử dụng 10 đến 20% vốn vay từ ngân hàng, phần tài chính còn lại chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có của đơn vị. Về phần tài chính của khách hàng, công ty tạo điều kiện bằng cách chỉ thu 20% số tiền căn hộ của khách hàng đến khi nhận nhà. Với cách làm này, khách hàng sẽ giảm được gánh nặng tài chính khi có nhu cầu mua nhà ở thật sự.

Đại diện phía Ngân hàng, Vụ trưởng Chính sách an toàn hoạt động Ngân hàng - Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng thuộc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Trọng Du cho biết, NHNN xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư 36 lần này là để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro và bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD, bảo vệ tốt nhất tiền gửi của dân, đồng thời tăng trưởng tín dụng hiệu quả và hỗ trợ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS hoạt động và phát triển hiệu quả, ổn định. Những quy định mới sẽ tạo động lực cho các ngân hàng thương mại cấp tín dụng trung, dài hạn một cách thận trọng hơn và sàng lọc, lựa chọn cho vay đối với những khách hàng có rủi ro thấp, hiệu quả hoạt động tốt hơn. Đây cũng là dịp để sàng lọc các nhà đầu cơ, chủ đầu tư thiếu năng lực. Khi soạn thảo, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tính đến lộ trình sửa đổi. Việc nâng hệ số rủi ro lên là để an toàn vốn, khi ngân hàng cho vay lĩnh vực đó thì trích vốn dự trữ nhiều hơn, khi có rủi ro xảy ra thì có nguồn vốn xử lý. Việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là để bảo vệ lợi ích kinh tế của người gửi tiền, trong đó có cả tiền gửi của doanh nghiệp BĐS…


Theo Nhân dân điện tử
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)