Còn nhiều bất cập
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) Trần Ngọc Chính cho rằng, thực tiễn triển khai nảy sinh nhiều vướng mắc. Cơ chế quản lý nhiều năm qua còn nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung và thiếu tính “dài hơi”. Nhiều điểm sửa đổi giúp hoàn thiện và chặt chẽ các quy định, nhưng cũng gây khó khăn cho DN, vừa thực hiện xong một bộ hồ sơ lại tiếp tục thay bộ khác vì có văn bản khác ra đời. Điều này làm chậm quá trình thực hiện và giải ngân dự án. Việc quản lý đầu tư theo quy hoạch hiện nay rất khó. Quy hoạch của Chính phủ cho phép các bộ, ngành, địa phương tự phê duyệt dẫn đến việc người có đủ thẩm quyền phê duyệt cũng có đủ thẩm quyền quy hoạch, gây nên sự xáo trộn, bất ổn và thiếu đồng bộ. Đồng thời, nhiều cơ quan nhà nước vẫn có xu hướng giữ thuận lợi cho hoạt động quản lý của mình hơn là đáp ứng nhu cầu, tạo thuận lợi cho DN và người dân. Bên cạnh đó, vẫn chưa khắc phục được tính cục bộ từng ngành, lĩnh vực trong việc xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn nhiều quy định chồng chéo, cứng nhắc, tạo thêm khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Một yếu tố nữa là việc thắt chặt tiền tệ, kiểm soát lạm phát và cắt giảm đầu tư công, cộng thêm những bất cập trong việc tái cơ cấu nguồn vốn đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và huy động vốn, trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đầu tư của DN… Mới đây, một DN tại TP Hồ Chí Minh thuê đất tại khu công nghiệp ở Bình Dương đã bị ngân hàng từ chối cho vay vốn để đầu tư nhà máy sản xuất hàng nông sản, vì theo Luật Đất đai 2013, hồ sơ vay vốn của DN thiếu tờ xác nhận đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp này đã thực hiện nộp thuế đất một lần. Điều này thật sự là một thách thức rất lớn đối với các chủ đầu tư vì chi phí bỏ ra đóng thuế sử dụng đất một lần cho cả khu công nghiệp quá cao. Hơn nữa, mức phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngày càng cao, gấp hai đến ba lần so với khung giá áp dụng từ năm 2009 đến nay cũng khiến các DN “đau đầu”, cho dù chưa tính tới áp dụng khung giá mới, nhưng chỉ cần áp vào để tính thuế, phí, xử phạt vi phạm đất đai… cũng đủ tạo thêm gánh nặng cho các DN.
Theo Phó Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Hoài Trung, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải công cộng, một đô thị hiện đại và phát triển trước hết phải có một hệ thống giao thông đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ, có tính kết nối liên hoàn giữa vận tải hành khách công cộng, điểm đỗ xe công cộng, bến xe và vận tải liên tỉnh. Tại Hà Nội, mạng lưới xe buýt công cộng của công ty đã có bước phát triển vượt bậc từ 30 tuyến với 262 xe, đáp ứng khoảng 15 triệu khách năm 2001 lên đến 53 tuyến với 1.017 xe, đáp ứng hơn 450 triệu khách mỗi năm, góp phần chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển bền vững của vận tải hành khách công cộng, các chính sách của thành phố cần có tính nhất quán, ổn định và lâu dài, nhất là trong vấn đề trợ giá cho xe buýt nhằm duy trì tốt dịch vụ mạng lưới và bổ sung nguồn lực phát triển cho các tuyến mới. Điều này cũng tạo động cơ, động lực cho DN sẵn sàng đầu tư thêm phương tiện, công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ đến với người dân. Đồng thời, khuyến khích và xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân song hành với phát triển vận tải hành khách công cộng có tính kết nối cao.
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực
Mặc dù, diện mạo cũng như bản sắc của các đô thị từng bước chuyển biến tích cực, nhiều khu đô thị mới như: Ciputra, Trung Hòa - Nhân Chính, Sông Đà, Phú Mỹ Hưng,… đã tạo nên những điểm nhấn cho bộ mặt đô thị, tuy nhiên, xét về tổng thể còn rất nhiều việc phải làm, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý phát triển đô thị còn thấp so yêu cầu. Đồng thời, tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng chậm hơn so với phát triển kinh tế - xã hội, tư duy đô thị hóa chưa theo kịp xu thế, nhất là với vấn đề biến đổi khí hậu. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) Trần Mạnh Quý, chính quyền chưa có giải pháp điều hòa lợi ích nhà nước, chủ đầu tư và người dân, công tác khớp nối hạ tầng kỹ thuật, không gian, kiến trúc đô thị còn yếu… Do vậy rất cần sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, tăng cường năng lực lãnh đạo của chính quyền, chính sách quốc gia về phát triển đô thị. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm đến mức thấp nhất chi phí về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ T.Ư và tăng cường mời gọi đầu tư, hợp tác phát triển trong và ngoài nước theo các mô hình PPP, BTO… nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng và mục tiêu phát triển của các nhà đầu tư.
Thực tế phát triển đô thị hiện nay còn quá thiên về phát triển các dự án bất động sản, quy hoạch bị vi phạm, dân số bùng nổ… và còn thiếu các dự án xử lý môi trường như: chất thải rắn, rác, nước thải và các dự án về năng lượng tái tạo. Điều này nếu không kịp có các giải pháp căn cơ sẽ gây nên sự mất cân bằng trong quá trình phát triển bền vững. Phó Chủ tịch VUPDA Đào Ngọc Nghiêm nhận định, ngoài các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, nguồn vốn…, đã đến lúc phải sớm đổi mới hệ thống quy hoạch để tích hợp định hướng tập trung đầu mối và giải quyết các bất cập. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để DN nắm bắt kịp thời, đúng nhu cầu của phát triển đô thị, xác định được khu vực, lĩnh vực cần ưu tiên quan tâm. Đồng thời cần huy động sự tham gia của cộng đồng DN trong cả quá trình từ lập, thẩm định phê duyệt và quản lý theo quy hoạch, nhất là cơ chế để DN tham gia các quy hoạch chi tiết. Bên cạnh các quy định hướng dẫn cụ thể, Nhà nước cần mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tạo điều kiện để các DN tuân thủ đúng trình tự và điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng khi cần thiết. Việc giám sát đầu tư xây dựng và bảo hành, bảo trì công trình đã có những nguyên tắc, quy định rõ, nhưng rất cần sự tham gia, kết hợp chặt chẽ từ cơ quan quản lý và đối tượng đầu tư xây dựng. Mặt khác, cần có sự phân công, phân cấp xác định trách nhiệm của từng cấp cụ thể, xác định rõ yêu cầu đặc thù của từng vùng, miền của đô thị nhằm tạo điều kiện cho DN tham gia phát triển đô thị có hiệu quả khi lựa chọn thị trường, phương thức hoạt động, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Theo Nhân dân điện tử