Mới đây, ông Yoshinori Yakabe, Phó tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. HCM cho biết, tại lễ ra mắt dự án Khu căn hộ biệt lập ven sông Angia Skyline do CTCP Đầu tư BĐS An Gia (An Gia) làm chủ đầu tư (Quận 7, TP. HCM), thị trường BĐS Việt rất tiềm năng và còn nhiều dư địa cho nhà đầu tư đến từ các quốc gia, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong tất cả các lĩnh vực, nhà đầu tư Nhật vẫn luôn tỏ ra thận trọng trong việc tìm hiểu, lựa chọn đối tác chiến lược, cũng như thời điểm tham gia, rót vốn vào thị trường.
Bởi từ trước đến nay, cẩn thận vốn được coi là bản tính đặc trưng của người Nhật vì đầu tư là một quá trình luôn đi liền với rủi ro và cơ hội. Song khi đã gắn kết với đối tác rồi, người Nhật luôn thủy chung, gắn bó, đồng hành trên suốt chặng đường để đi tới kết quả cuối cùng.
Trước đó, Công ty An Gia đã được Quỹ đầu tư Tài chính có tiếng của Nhật Bản - Creed Group rót 200 triệu USD thông qua việc ký kết hợp tác đầu tư toàn diện, để tăng cường nguồn lực, giúp An Gia nhanh chóng cho ra mắt thị trường 480 căn hộ phân khúc trung cao cấp thuộc dự án Angia Skyline, vào đúng thời điểm nhu cầu sở hữu nhà ở đang có xu hướng tăng vào dịp cuối năm.
Chia sẻ về cơ hội hợp tác và thu hút được nguồn vốn ngoại để phát triển dự án này, ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia cho biết, không hề đơn giản để tiếp cận và có được sự tin tưởng từ nhà đầu tư Nhật.
Để đi đến cái bắt tay giữa hai bên, Quỹ Creed Group đã tìm hiểu, “sát hạch” với DN cả năm trời. Họ nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng về năng lực, cách làm việc và tiềm năng phát triển trong tương lai của công ty, đồng thời đặt ra yêu cầu rất cao về vấn đề quản trị DN, tính chuyên nghiệp, tầm nhìn chiến lược, khả năng phát triển...
Các nhà đầu tư Nhật luôn thích làm việc trên tinh thần minh bạch, chia sẻ thẳng thắn về tất cả điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế cũng như trở ngại để đi đến thống nhất cuối cùng giữa đôi bên. Tuy nhiên, sau sự hợp tác này, chắc chắn An Gia sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển với sự hỗ trợ mạnh mẽ về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm dày dạn từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết tháng 12/2015 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 22 tỷ USD.
Trong đó, nguồn vốn từ Nhật Bản đứng thứ 3 (sau Hàn Quốc và Malaysia), các nhà đầu tư Nhật chủ yếu rót vốn vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và không quên rót hàng trăm triệu USD vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS.
Các nhà đầu tư của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam theo các hình thức 100% vốn nước ngoài, hình thức hợp đồng BOT.
Bên cạnh đó, việc hợp tác, liên doanh, mua lại cổ phần cũng được các nhà đầu tư Nhật quan tâm đến. Riêng đối với hình thức đầu tư rót vốn vào DN, dự án BĐS trong nước, các nhà đầu tư Nhật thường nhắm đến các dự án “sạch” giấy tờ, pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư có uy tín trên thị trường.
Ông Nguyễn Vĩnh Trân, nguyên Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long, người đã dẫn lối cho hai nhà đầu tư Nhật là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đến với DN này cho biết, trong một vài năm trở lại đây, nhà đầu tư Nhật tỏ rõ sự quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam thông qua việc tìm kiếm đối tác để mua lại cổ phần công ty, góp vốn trực tiếp vào dự án, thậm chí mua đứt dự án để phát triển ra thị trường.
Nếu so sánh vào thời điểm hiện tại, đầu tư BĐS tại thị trường Việt Nam và một số nước Đông Nam Á được cho rằng có khả năng sinh lời cao hơn khi để vốn kinh doanh tại Nhật.
Hơn nữa, các nhà đầu tư Nhật đã có quá trình tìm hiểu, làm việc tại thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực từ khá sớm, cũng như có sự gần gũi về địa lý, văn hóa nên không xa lạ gì khi nguồn vốn đầu tư chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng có xu hướng gia tăng.
Ông Trân cũng cho biết thêm, thông thường đối với lĩnh vực BĐS, nhà đầu tư Nhật thường đặt ra lợi nhuận kỳ vọng trong mỗi hợp tác kinh doanh trung bình từ 18 – 20%. Mức này được cho là tương đối cao và cái được khi làm ăn với đối tác Nhật chính là “đầu xuôi, đuôi lọt”
Ban đầu họ thường rất khó trong khâu tìm hiểu, kiểm duyệt trước khi đưa ra quyết định, nhưng khi đã đầu tư rồi bao giờ cũng chắc chắn và yên tâm về kết quả đem lại.
Thực tế, trong những năm qua nhiều dự án có vốn Nhật vẫn chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn, thuộc phân khúc căn hộ trung cao cấp. Tuy nhiên, cũng không loại trừ cả những dự án văn phòng cho thuê, khách sạn trong khu vực trung tâm, khu biệt thự nghỉ dưỡng, thậm chí là BĐS khu công nghiệp.
Và nói như ông Shimon Tokyuama, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật tại Việt Nam, không quan trọng là tập trung vào đâu, miễn đó là lĩnh vực sinh lời cho nhà đầu tư cũng như còn nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển trong tương lai và BĐS là một trong những lĩnh vực đó.
Theo nhận định của các chuyên gia, ngoài việc đa dạng nguồn vốn cho thị trường BĐS, một trong những điều mà các chủ đầu tư cũng như thị trường mong đợi chính là sự minh bạch, rõ ràng, chắc chắn trong từng dự án triển khai mà các nhà đầu tư Nhật sẽ đem đến cho thị trường BĐS Việt Nam.
Tuy nhiên, nắm bắt được cơ hội này như thế nào lại phụ thuộc phần nhiều vào các chủ đầu tư trong nước bởi có chuẩn hóa mình thì mới có thể nắm chắc được những cái bắt tay đôi bên cùng có lợi cùng các nhà đầu tư ngoại.
Theo Thời báo ngân hàng