Chung cư cũ: Đi không được, ở không xong

Thứ tư, 23/12/2015 14:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong muôn vàn đổi thay của bộ mặt đô thị Hà Nội, các chung cư cũ vẫn hiện diện nhức nhối không chỉ bởi thẩm mỹ mà ngay cả bản thân đời sống người dân trong đó. Để có một bộ mặt đô thị khang trang hơn, đời sống của người dân được cải thiện, cần những nỗ lực và quyết tâm của chính quyền thủ đô.

Chung cư cũ ở nội thành Hà Nội. Ảnh: Tiến Dũng

Chung cư đua nhau cơi nới, cải tạo

Chị Bạch Ngọc Mai sở hữu một căn hộ khoảng 30m2 tại Tập thể Giảng Võ, phố Núi Trúc, Hà Nội. Căn hộ được sửa sang khá gọn gàng, thích hợp cho một cặp vợ chồng trẻ mới xây dựng gia đình. Tuy nhiên, sau hơn chục năm sống tại ngôi nhà này, chị Mai đã phải rao cho thuê để lấy tiền thuê lại ngôi nhà khác đáp ứng điều kiện sinh sống hơn của gia đình chị gồm 4 thành viên.

Chị chia sẻ: Diện tích nhà quá nhỏ, không có không gian riêng tư nên các con chị đến tuổi trưởng thành rất bất tiện. Gia đình có một cháu gái 15 tuổi và một cháu trai 10 tuổi cùng bố mẹ chung sống trong căn hộ này bất tiện đủ điều. “Khổ nhất là nhà vệ sinh lại chung của cả tập thể, nằm ở cuối dãy nhà, vừa bẩn lại đi qua một hành lang tối nên nhiều khi cũng ngại...”

Điều đặc biệt là khu chung cư này cũng được các hộ dân tự cải tạo đi nhiều so với kết cấu ban đầu. Cụ thể là nhà nào cũng đua “chuồng cọp” hoặc cơi nới bằng nhiều biện pháp bê tông hóa khiến kết cấu của công trình này không được ổn định như ban đầu.

Đại đa số khách định thuê là vợ chồng trẻ mới cưới hoặc các em học sinh sinh viên chung tiền để thuê vì ở đây giao thông thuận lợi vào gần các phố lớn. Tuy vậy, cũng chính những bất tiện này nên căn hộ của chị vẫn kén người thuê với giá 5 triệu đồng/ tháng.

Với giá đó khách hàng có thể thuê được một căn hộ chung cư đầy đủ tiện nghi khoảng 80m2 tại các khu đô thị dọc tuyến đường Lê Văn Lương. Tuy khoảng cách hơn 10km từ nhà chị Mai xuống khu vực đô thị mới đó rất đáng để người thuê suy nghĩ nhưng nếu tính ở về lâu về dài thì sự bất tiện trong một chung cư cũ cũng khiến nhiều người đắn đo.

Chị Mai suy nghĩ: “Vì vợ chồng, con cái chúng tôi học tập sinh hoạt hết trong nội thành nên cũng khó khăn khi đi thuê. Chúng tôi thuê lại một nhà chung cư mới với giá 8 triệu để sinh sống nhưng mức lương như vợ chồng tôi thì không đủ. Vậy nên trông chờ cho thuê được ngôi nhà này thì mới dọn đi được. Chúng tôi cũng không muốn bán vì nghe nói thành phố có kế hoạch giải tỏa, khi đó chúng tôi may ra được đền bù đủ tiền mua nhà mới nên cũng cố chờ. Vậy nên đi không được, ở cũng không xong...”

Câu chuyện của nhà chị Mai khá điển hình cho nhiều người dân đang sinh sống tại các khu tập thể cũ, khu chung cư cũ. Thực tế cho thấy, các khu chung cư cũ đa phần nằm ở khu vực nội thành, là khu vực hạn chế phát triển dân cư theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Chỉnh trang bằng quy hoạch

Giữa những giằng co của nhu cầu sinh sống, người dân sống trong các chung cư cũ thường tự cải tạo, cơi nới, lấn chiếm diện tích, làm ảnh hưởng thay đổi kết cấu của ngôi nhà, giảm tuổi thọ công trình, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, quy hoạch trước đây hầu hết các khu vực này đều bị phá vỡ do việc lấn chiếm đất công và xâm hại đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu, các diện tích sinh hoạt chung và dịch vụ công cộng gần như không còn, trẻ em không có chỗ chơi, thanh niên và người già không có chỗ sinh hoạt cộng đồng…

Trong quá trình quản lý, TP Hà Nội đã đầu tư sửa chữa chống xuống cấp, cải tạo xây dựng lại bằng nguồn vốn ngân sách tại một số khu chung cư cũ như xây ốp thêm hệ thống khu phụ (Nhà E khu Nguyễn Công Trứ); giảm bớt hộ dân lấy diện tích phòng ở để ngăn chia thành diện tích phụ (nhà H khu Nguyễn Công Trứ); ép cọc gia móng chống lún (12 công trình thuộc khu Nghĩa Đô, Thành Công, Quỳnh Mai, gia cố mối nối nhà lắp ghép tấm lớn tại Thanh Xuân. Phá dỡ nhà cũ xây dựng lại (A3, A6 Giảng Võ, B7 Thành Công, B7 - B10 Kim Liên)…

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đơn vị này hiện cũng đang khắc phục việc cải tạo, xây mới chung cư cũ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thông qua quy hoạch. Cụ thể, các dự án cải tạo xây dựng chung cư cũ được xác định chính là dự án chỉnh trang đô thị. Việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ phải phù hợp với quy hoạch chung, gắn với bố trí, sắp xếp lại dân cư trên địa bàn với xây dựng các khu đô thị mới.

Quan trọng nhất theo ông Dũng là phải thực hiện theo phương thức xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Cải tạo xây dựng lại chung cư cũ là trách nhiệm của Thành phố Hà Nội, của các cấp chính quyền và của người dân trong khu vực. Nhà nước cần hỗ trợ công tác chuẩn bị đầu tư và một số công trình hạ tầng đô thị thiết yếu nhưng trong suốt quá trình cải tạo xây dựng lại phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước, lợi ích của người dân và lợi ích của nhà đầu tư…

Đặc biệt, đối với các dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trong địa bàn 4 quận nội thành là Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, nếu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nếu chuyển ra ngoài khu vực 4 quận nội thành thì được hệ số 1,5 lần so với tái định cư tại chỗ.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng việc cải tạo, xây dựng này cần tiến hành trên phạm vi cả khu, với một quy hoạch đồng bộ để tận dụng tối đa ưu thế về đất đai. Trong quá trình cải tạo, cần xây dựng lại quy hoạch các khu chung cư cũ theo kiểu ô bàn cờ. Bên cạnh đó cần tính toán kỹ quy hoạch để tận dụng các công trình công cộng hiện hữu trong các khu chung cư cũ như trường học, trạm y tế… hiện nay.

Có thể nói việc di dời khối lượng dân lớn ra khỏi các chung cư cũ và xây dựng lại những khu vực này không phải việc ngày một ngày hai. Trong khi đó, nhu cầu sinh sống của người dân vẫn bức thiết vì vậy việc chỉnh sửa không gian sống ở các chung cư cũ rất “khó quản”, chính vì vậy phương thức chỉnh trang đồng bộ thông qua quy hoạch chính là phương án trước mắt thành phố cần quan tâm cho đời sống và bộ mặt của thành phố.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)