“Thời của phân khúc nhà ở cho công nhân”

Thứ hai, 14/12/2015 11:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là nhận định của TS Cấn Văn Lực tại Hội thảo “Dự báo xu hướng thị trường bất động sản 2016” được tổ chức sáng ngày 12/12 tại Hà Nội.

Hội thảo “Dự báo xu hướng thị trường bất động sản 2016”

Đánh giá về bức tranh bất động sản (BĐS) năm 2015, GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhận định đây là năm kết thúc giai đoạn tích tụ “bong bóng” và “xì hơi bong bóng” của thị trường BĐS Việt Nam với nhiều dấu hiệu tích cực về giao dịch, chuyển dịch giữa các phân khúc, giải quyết tồn kho, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, tín dụng BĐS…

Dấu hiệu phát triển tích cực của thị trường nhà ở thể hiện ở các điểm như: Tổng dư nợ tín dụng BĐS năm 2015 lên đến 342.000 tỷ đồng, trong đó phân khúc nhà ở chiếm đến 39%; lượng tồn kho giảm mạnh trên từng phân khúc. Cùng với đó, niềm tin vào thị trường tăng trở lại, người tiêu dùng đã nhận ra rằng giá BĐS không thể giảm thêm nữa và quyết định mua theo nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, vẫn cần có sự nỗ lực của cơ quan nhà nước để khắc phục các nhược điểm của thị trường BĐS để phát triển hơn nữa trong năm 2016. Tăng niềm tin cho thị trường để hút vốn đầu tư từ dân, từ người nước ngoài và FDI. Song song là đa dạng hóa vốn và hàng hóa cho thị trường, tìm nguồn trung và dài hạn hợp lý để giải quyết cả vấn đề an sinh xã hội và phát triển thương mại BĐS. Xem xét, “cởi trói” cho các dự án BĐS thế chấp ở ngân hàng nước ngoài để vay vốn, vì các ngân hàng này có nguồn vốn trung hạn và dài hạn rất lớn, giá rẻ hơn các ngân hàng trong nước. Thị trường BĐS Việt Nam của năm 2016 sẽ cần có các thương hiệu lớn gắn với chữ tín cao, đó là cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư BĐS trong nước.

Trong khi đó, dưới góc độ tài chính ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, về dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam chưa có các định chế tài chính đa dạng như quỹ tín thác đầu tư - REIT hay cơ quan cho vay thế chấp nhà ở. Năm 2016 cần nhanh chóng hoạt động để tạo ra cú hích đầu tư vào nguồn vốn BĐS và tính thanh khoản của thị trường.

Bàn về vấn đề giải pháp chính sách, ông Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cho biết, hiện các nghị định và thông tư hướng dẫn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hoặc đang trình Chính phủ, Bộ Xây dựng, dự kiến sẽ thông qua trong tháng 12/2015. Do vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn để thích ứng với sự thay đổi của chính sách nhằm tận dụng tối đa cơ chế mở cửa của Nhà nước.

Đặc biệt, trả lời câu hỏi của quan khách về thời gian và hướng đầu tư vào phân khúc BĐS nào trong năm 2016 sẽ phù hợp, TS Cấn Văn Lực cho biết: “Theo số liệu khảo sát ở các khu công nghiệp Samsung, Thái Nguyên thì vấn đề nhà ở cho công nhân rất bức thiết, không chỉ là công nhân trong nước mà còn là công nhân nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang “cất cánh” với các hiệp định thương mại. Phân khúc nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp vì thế không chỉ thiết thực mà còn tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ thực tế đó, kéo theo BĐS du lịch, nghỉ dưỡng có cơ hội phát triển. Nếu các nhà đầu tư quan tâm đến quy luật cung - cầu này thì sẽ đảm bảo hiệu quả và tiêu thụ sản phẩm tốt nhất.”

Trong khi đó ông Phan Thanh Điệp - Tổng Giám đốc sàn Phú tài Land từ góc độ DN chia sẻ: “Tham chiếu theo bức tranh GDP 2015 tăng tích cực, nếu đúng kịch bản này trong năm 2016 thì thị trường BĐS cũng sẽ tăng. Vốn đầu tư BĐS vẫn chủ yếu nằm ở các ngân hàng, nếu các ngân hàng có động thái điều chỉnh dư nợ cho vay thì BĐS sẽ lạc quan hơn nữa. Cá nhân tôi khi tư vấn cho nhà đầu tư nên đầu tư ở đâu, thời gian nào thì cần sự soi chiếu vào thực tế. Bởi có hai hướng đầu tư, một là căn hộ để bán, hoặc tạo lập dự án cần tính đến trường hợp có những biến động nhất thời để có hướng xử lý tốt nhất. Cần chú trọng đến nhu cầu của đại đa số người dân, không nên chạy theo các dự án ở cùng một vị trí, giá trị quá cao”.


Theo Kinh tế đô thị

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)