Tại hội thảo, ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền phong cho hay hiện tại ở Việt Nam, gần 34% trong độ tuổi 20-39 và 42% trong số đó bắt đầu khởi nghiệp, lập gia đình và mong muốn có nhà riêng.
Đối với TPHCM, nhu cầu về nhà ở của giới trẻ rất cao, mỗi năm có khoảng 100 ngàn gia đình trẻ cần có nhà ở. Tuy nhiên, thị trường chỉ đáp ứng được khoảng 15-20% nhu cầu đó.
Cũng theo ông Sơn, theo thu nhập và khả năng chi trả, nhiều gia đình trẻ hiện nay đang mong muốn với 300 – 400 triệu đồng, cộng thêm khoản tín dụng để có thể sở hữu 1 căn hộ, 1 nơi cư trú ổn định để “an cư lạc nghiệp”.
Chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng thị trường BĐS đã có tín hiệu hồi phục tích cực về thanh khoản. Nhìn lại thời kỳ mấy năm trước ông Hiển chỉ rõ: “những năm 2011 – 2013, thị trường BĐS sụt giảm nghiêm trọng, người mua thì cứ chờ giá xuống; Ngân hàng thì hạn chế cho vay, lãi suất rất cao. Năm 2014 đến nay, mức thanh khoản được cải thiện, 9 tháng/2015, lượng giao dịch tăng gấp đôi năm 2014, riêng trong quý 2, có hơn 10 ngàn căn hộ được giao dịch; tín dụng tăng cộng với lãi suất giảm mạnh”.
Qua con số đó, ông Hiển nhìn nhận thực tế trong giới trẻ đang có nhu cầu sở hữu căn hộ khá cao về cả nhu cầu để ở lẫn nhu cầu kết hợp đầu tư.
Theo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), Thị trường BĐS đang hồi phục khá nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, hiện đang có sự tăng trưởng nguồn cung rất lớn ở phân khúc BĐS cao cấp, trong lúc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.“Hiện thị trường BĐS đang dần hồi phục, để nó phát triển bền vững thì rất cần chính sách ưu đãi cho người mua nhà lần đầu tiên, đặc biệt là đối tượng trẻ”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhận định.
Đối với TPHCM, ông Châu chỉ ra: TPHCM chủ yếu là người nhập cư và chắc chắn tiến trình này sẽ diễn ra trong vài chục năm nữa, chính vì lẽ đó, việc phát triển nhà ở là hết sức quan trọng và cấp bách.
Để giải quyết vấn đề nhà ở một cách căn cơ và mang tính bền vững, theo ông Châu cần có các giải pháp hướng đến tất cả thành phần dân cư, bởi lẽ nhu cầu nhà ở, không chỉ bức xúc đối với người thu nhập thấp, người nhập cư, đối tượng thụ hưởng NOXH, mà các đối tượng khác như lao động trẻ (mới ra trường, mới kết hôn), những người có thu nhập trung bình và cả những người có thu nhập cao hay đối tượng là người nước ngoài đến sinh sống và làm việc cũng có nhu cầu rất lớn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – PGĐ Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết, từ giữa năm 2014 đến nay, thị trường BĐS khởi sắc, nhiều dòng vốn đổ vào thị trường. “Các năm trước, tổng dư nợ tín dụng cho BĐS chỉ ở mức trên dưới 9% (năm 2012 là 9,7%), ở những năm 2006-2008 tổng dư nợ vào khoảng 24-25%; từ năm 2013 đến nay, tổng dư nợ BĐS tăng bình quân 11 – 12%, từ cuối năm 2014 đến nay là 14,7%”, ông Minh chia sẻ.Vì những dấu hiệu đó, ông Minh cho rằng cần có những hỗ trợ cho giới trẻ sở hữu nhà và nên xây dựng chính sách kết nối giữa ngân hàng với DN kinh doanh BĐS để hỗ trợ cho các đối tượng này.
Đại diện Cty CPĐT BĐS Nam Long nhìn nhận, Việt Nam là một đất nước có dân số trẻ, hàng năm có trên 10 ngàn cặp vợ chồng kết hôn, do đó như cầu ở riêng là rất lớn. “Việc xây nhà “dễ sở hữu” dành cho người trẻ thực tế không hề dễ dàng.
Dẫn kinh nghiệm về các dự án của mình được các đối tượng trẻ mới lập gia đình mua nhiều, đại diện Nam Long chia sẻ: Với đối tượng này, điều quan trọng nhất với họ chính là khả năng tài chính. Ngoài việc tạo ra một sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng, có mức giá “vừa túi tiền”, chúng tôi còn phải đem đến cho họ 1 Packege phù hợp không kém từ hệ thống hỗ trợ tài chính, chính sách thanh toán, dịch vụ hậu mãi có mức phí phù hợp.
Thanh Nhân