Hoàn thiện hệ thống cấp, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị

Thứ sáu, 30/10/2015 13:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra mạnh mẽ, nhất là ở khu vực phía tây thành phố và phía bắc sông Hồng. Hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được thành phố tập trung đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, trong đó có hệ thống cấp, thoát nước. Kết quả đạt được cho thấy sự nỗ lực không ngừng của thành phố trong công tác bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô.

Công nhân Công ty thoát nước Hà Nội thi công hệ thống cống thoát nước trên phố Bà Triệu.

Tăng cường khai thác các nguồn nước sạch

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Những năm qua, vượt qua những khó khăn như nguồn nước ngầm cạn kiệt, nước mặt khai thác hạn chế, trong khi thời tiết diễn biến phức tạp, có nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, ngành nước vẫn duy trì được ổn định công suất cấp nước sinh hoạt từ 900 nghìn đến 930 nghìn m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân Thủ đô. Hiện nay, dù số dân sinh sống trên địa bàn liên tục gia tăng, nhưng 100% người dân ở khu vực đô thị và các khu dân cư tập trung được cấp nước sạch từ 130 lít đến 150 lít/người/ ngày đêm.

Đạt được kết quả đó là do thành phố đã tập trung chỉ đạo các đơn vị tìm mọi biện pháp nhằm phát triển nguồn cung cấp nước sạch. Công ty Nước sạch Hà Nội đã nâng công suất Nhà máy nước Gia Lâm giai đoạn II từ 30 nghìn m3/ngày đêm lên 60 nghìn m3/ngày đêm, nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì từ 30 nghìn lên 50 nghìn m3/ngày đêm; khoan bổ sung, thay thế các giếng không sử dụng được tại các Nhà máy nước Gia Lâm, Bắc Thăng Long - Vân Trì, Yên Phụ, Nam Dư; cải tạo nâng công suất các trạm sản xuất nước sân bay Gia Lâm, Bách Khoa, Quỳnh Mai, Đông Anh… Nguồn nước mặt sông Đà cũng đã được tích cực khai thác trong thời gian qua nhằm hỗ trợ sự thiếu hụt nguồn nước ngầm, bổ sung cho những khu vực còn thiếu nước sạch. Nhờ vậy, bốn năm qua, tổng lượng nước sinh hoạt trên địa bàn đã tăng thêm 255 nghìn m3/ngày đêm. Trong đó, năm 2011 tăng thêm 125 nghìn m3/ngày đêm; năm 2012 tăng 100 nghìn m3/ngày đêm; năm 2013 là 20 nghìn m3/ngày đêm và năm 2014 là 10 nghìn m3/ngày đêm.

Ngoài tăng nguồn cung, việc xây dựng phương án vận hành tối ưu mạng lưới để điều tiết lượng nước cung cấp cho các khu vực cũng được chú trọng. Tuy nhiên, do nguồn nước ngầm khai thác ngày càng khó khăn, trong khi tốc độ đô thị hóa vẫn diễn ra nhanh chóng, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với ngành nước là phải tiếp tục khai thác các nguồn sản xuất nước sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, hai dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng. Đồng thời, hoàn thành xây dựng Nhà máy nước Yên Viên. Phát triển hệ thống mạng truyền dẫn và phân phối cho các khu vực thiếu mạng lưới cấp nước.

Tập trung hoàn thiện hệ thống thoát nước

Cũng như ngành cấp nước, ngành thoát nước liên tục mở rộng phạm vi phục vụ theo tốc độ phát triển đô thị. Trước đây, công tác quản lý hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố phân tán. Có những tuyến cống, mương, trạm bơm do các quận hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách, cho nên việc vận hành trong mùa mưa gặp khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, phần lớn hệ thống đã được bàn giao về Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội quản lý tập trung. Đồng thời, thành phố không ngừng đầu tư cải tạo và phát triển hệ thống nhằm nâng cao chất lượng môi trường đô thị.

Năm năm qua, thành phố tập trung triển khai Dự án Thoát nước cải tạo môi trường Hà Nội giai đoạn 2. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành và nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90 m3/giây; cải tạo hoàn thiện hệ thống mương và cống thoát nước trên địa bàn tám quận, huyện (Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân và Thanh Trì); cải tạo hạ tầng chung quanh hồ Ba Mẫu; cải tạo thoát nước tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ; kè và làm đường bờ phải sông Tô Lịch, cải tạo các hồ Phương Liệt, Tân Mai, Khương Trung1, Khương Trung 2… Bên cạnh đó, các đơn vị thi công một số công trình chống úng ngập cục bộ trên các tuyến đường phố, nút giao thông; tổ chức nạo vét các tuyến sông nhằm bảo đảm khả năng dẫn nước nhanh nhất về trạm bơm Yên Sở; kiểm soát chặt chẽ và khống chế mực nước trên hệ thống các kênh, mương, hồ điều hòa, nhằm phục vụ thoát nước, tiêu úng nhanh nhất. Ngoài ra, việc xã hội hóa cải tạo các hồ nhằm nâng cao năng lực điều hòa nước mưa, cải thiện vệ sinh, môi trường cũng được đẩy mạnh.

Nhờ vậy, tình hình thoát nước trên địa bàn đã được cải thiện rõ nét. Nhiều điểm úng ngập tại các tuyến phố nội thành đã được xóa bỏ. Đối với những trận mưa vừa, mưa to đến 100 mm; ở các tuyến phố trung tâm về cơ bản không xảy ra ngập. Với những trận mưa hơn 100 mm, các khu vực úng ngập đều được cơ quan chức năng dự báo và chủ động kiểm soát tình hình, giảm thiểu thời gian úng ngập.

Cùng với vấn đề thoát nước, thành phố cũng quan tâm tới bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhiều dự án xử lý nước thải đã được triển khai, như: Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, Nhà máy Xử lý nước thải Bảy Mẫu, Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây và hệ thống thu gom nước thải. Các dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây Hà Nội; nâng cấp hệ thống trạm bơm tiêu Đông Mỹ (huyện Thanh Trì); cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy… cũng chuẩn bị được thực hiện.

Sự quan tâm đầu tư của thành phố cùng sự nỗ lực của ngành cấp, thoát nước, môi trường đô thị đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, cũng như tích cực góp phần xây dựng môi trường Thủ đô xanh, sạch và văn minh hơn.


Theo nhandan.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)