Tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 - 2020, đông đảo sinh viên, trí thức, nhà khoa học trẻ tại thành phố đã đóng góp ý kiến tâm huyết vào các dự thảo văn kiện chuẩn bị trình đại hội.
Ranh giới quy hoạch khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh
Ranh giới quy hoạch khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh: Cầu Sài Gòn > đường Nguyễn Hữu Cảnh > đường Hoàng Sa > đường Võ Thị Sáu > đường Cách Mạng Tháng Tám > đường Nguyễn Thị Minh Khai > đường Cống Quỳnh > đường Nguyễn Cư Trinh > đường Trần Hưng Đạo > đường Nguyễn Thái Học > cầu Ông Lãnh > đường Hoàng Diệu > đường Nguyễn Tất Thành > sông Sài Gòn (cầu Sài Gòn) - Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cung cấp.
Anh Khưu Thiên Hùng, Bí thư Quận đoàn Q.6 nhấn mạnh việc cần phải coi trọng công tác cải cách văn hóa khi làm quy hoạch đô thị. Theo anh Hùng, thời gian qua báo chí phản ánh tình trạng các hệ thống điện, nước, điện thoại, nước thải, nước sinh hoạt vẫn thiếu đồng bộ và thường xuyên tái diễn việc “đào lên lại lấp xuống”, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng chất lượng công trình. Theo anh Hùng, đây không chỉ là vấn đề thiếu đồng bộ về quy hoạch đô thị mà còn là vấn đề “văn hóa chính sách” trong quản lý một đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Đan Hà, Bí thư Đoàn trường ĐH KHTN thành phố góp ý, việc phát triển công nghiệp văn hóa phải xác định ngay từ đầu là hướng đến vấn đề gì: giải trí hay là vấn đề tư tưởng? Thời gian qua, thành phố đã xây dựng tiêu chí về “thành phố sống tốt”, nhưng rõ ràng là người dân vẫn chưa thể yên tâm khi người dân còn phải lo sợ ngập úng, tai nạn giao thông như hiện nay. Anh Hà cũng nhắc đến việc phát triển giai cấp công nhân phải chú trọng vào giải quyết đời sống văn hóa cho công nhân lao động để tầng lớp này xứng đáng với vị trí giai cấp lãnh đạo.
Góp ý cho các dự văn kiện báo cáo Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, anh Trần Hoàng Anh, Bí thư Đoàn trường đại học Công nghệ Thủ Đức cho rằng, thành phố cần tập trung cải thiện hơn nữa trong việc giảm tai nạn giao thông, bắt đầu từ ngay khâu phòng chống tai nạn giao thông.
Liên quan đến vấn đề này là đề án về phương tiện giao thông công cộng nhưng anh Trần Hoàng Anh cho rằng: xe buýt tại thành phố hiện nay đã đáp ứng về số lượng nhưng chất lượng thì chưa tương xứng, điển hình như vấn đề văn hóa ứng xử của các tài xế xe buýt là chưa tốt, còn gây tai nạn,…
Cùng quan tâm đến vấn đề văn minh đô thị, anh Trần Quốc Minh, Phó Bí thư quận đoàn Q.2 cũng mong muốn ĐH lần này của Đảng bộ thành phố sẽ thông qua được chính sách trong phát triển các công trình công cộng, khoảng xanh, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa cho các khu dân cư, khu chung cư. Theo anh Minh, đây là một việc tuy nhỏ, nhưng sẽ tác động rất lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của cư dân đô thị trong nhịp độ phát triển như hiện nay.
Góp ý cụ thể hơn, chị Bùi Thị Thúy, Phó Bí thư Nhà văn hóa thiếu nhi Q.2 cho rằng, hiện nay thành phố đang có chủ trương phát triển Q.2 thành một trung tâm hành chính – thương mại của thành phố. Tuy nhiên, cùng với vấn đề hạ tầng thì cần thiết phải nâng cao vai trò của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, cụ thể là các nhà thiếu nhi, các điểm đến văn hóa, vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi,…
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, sự quan tâm của nhiều trí thức trẻ đến quy hoạch phát triển đô thị thành phố cho thấy sự tha thiết của đội ngũ trí thức trẻ mong muốn đóng góp cho thành phố.
Ông Cường đồng tình quan điểm, với đặc thù của một đô thị đặc biệt thì thành phố nhất thiết phải có một cơ chế riêng để phát triển. Chẳng hạn, ngay cả mức chuẩn nghèo của thành phố hiện nay đã cao hơn cả nước gấp 3 lần và do đó thì mục tiêu của cũng cần phải thay đổi. Ông Cường cho biết, các ý kiến đóng góp của sinh viên, trí thức, cán bộ Đoàn – Hội trên địa bàn thành phố sẽ được tổng hợp để đóng góp ý kiến cho văn kiện của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X sắp tới.
Theo chinhphu.vn