“Tăng tốc” đưa Luật Đất đai vào cuộc sống

Thứ năm, 16/07/2015 11:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, sớm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên phạm vi cả nước là những nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện ngay của cơ quan quản lý đất đai trong 6 tháng cuối năm 2015.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm tổ chức sáng 15/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành quản lý đất đai: Hoàn thiện kế hoạch triển khai Luật Đất đai 2013 vào cuộc sống trong năm 2015; sớm triển khai trên phạm vi cả nước việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và thay đổi cách thức triển khai vấn đề cải cách thủ tục hành chính.

Trong 6 tháng đầu năm, công tác điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được tập trung chỉ đạo thực hiện; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu được tích cực triển khai; xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và thực hiện chính sách pháp luật về đất đai. Tổng cục Quản lý đất đai đã trả lời, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; công tác quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải quyết vướng mắc trong việc áp dụng Luật…

Tổng cục cũng tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện việc công bố, công khai các thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật đất đai và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Đất đai (sửa đổi) được người dân hết sức quan tâm, cho nên cần giải quyết tốt vấn đề cơ sở pháp lý. Những vấn đề được quan tâm hiện nay đó là: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đền bù, tái định cư. Đặc biệt là nội dung giá đất, khung giá bảng giá cần lấy đầy đủ ý kiến của các địa phương,... sau đó sẽ trình cấp thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền pháp luật cũng rất quan trọng, cần phải có chương trình kế hoạch tuyên truyền từ Bộ, Tổng cục Quản lý đất đai và các địa phương. Công tác tuyên truyền cần chú trọng đến việc soạn thảo tài liệu sao cho dễ hiểu để người dân nắm được vấn đề. Ví dụ như người dân khi bị thu hồi đất sẽ như thế nào, được bồi thường, hỗ trợ ra sao?

Luật Đất đai khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần thiết lập được hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch và hiệu quả, có sự tham gia giám sát tích cực của các cơ quan dân cử và nhân dân, khắc phục các vướng mắc, bất cập. Qua đó, nguồn lực đất đai sẽ được khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm các khiếu kiện về đất.

Sớm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước

Cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai quốc gia được xác định là 1 trong 6 CSDL quốc gia ưu tiên triển khai tạo nền tảng cho phát triển chính phủ điện tử. Các dự án liên quan đến CSDL đất đai quốc gia đã được triển khai tích cực như: Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP); tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL quản lý đất đai triển khai ở 63 tỉnh, thành nhằm hoàn thành mục tiêu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuẩn hóa đồng bộ hệ thống hồ sơ địa chính trên cả nước; Dự án xây dựng CSDL quốc gia về đất đai (giai đoạn I, từ 2013-2015)…

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính, để xây dựng và hoàn thiện thiết kế hệ thống CSDL đất đai quốc gia thống nhất từ Trung ương đến địa phương cần nghiên cứu, rà soát và bổ sung theo các quy định mới ban hành nhằm xây dựng hệ thống thông tin đất đai và mô hình giao dịch đất đai điện tử phục vụ quản lý Nhà nước về đất đai; hỗ trợ người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình trong giao dịch đất đai.

Hiện tại, đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai và cấp GCNQSDĐ cho 58 huyện thuộc 9 tỉnh của dự án VLAP, trong đó tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành việc xây dựng CSDL địa chính và đưa vào khai thác sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh. CSDL đất trồng lúa đến nay cũng đã cơ bản hoàn việc để kịp tiến độ trước ngày 31/12/2015 theo yêu cầu của Chính phủ.

Ông Đào Trung Chính cho biết CSDL quốc gia về đất đai là một bộ dữ liệu đặc biệt quan trọng nhằm quản lý và xác định rõ ràng hơn về tiềm năng tài nguyên đất của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc xây dựng CSDL đất đai ở các địa phương hiện nay vẫn còn chậm, chưa tạo ra được một hệ thống CSDL đất đai thống nhất theo mô hình chung.

Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai xây dựng CSDL đất đai quốc gia để có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung hợp lý, kịp thời.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)