Tương tự những ngành nghề khác, ngành xây dựng Việt Nam đang phải tìm cách trụ vững và phát triển khi đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều. Bản thân doanh nghiệp cũng tự đánh giá cao khả năng của mình. Vấn đề còn lại, DN phải mạnh dạn học hỏi để đương đầu.
Nhà thầu Việt không ngừng lớn mạnh (Ảnh: S. XANH)
Ông Lê Viết Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình khẳng định: “Với đất nước 90 triệu dân, hạ tầng cơ sở còn chưa hoàn thiện thì thị trường trong nước đối với ngành xây dựng là rất tiềm năng”.
Theo ông Lê Viết Hải, các doanh nghiệp xây dựng trong nước phát triển ngang tầm và có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc… Bằng chứng, cách đây 15 – 20 năm, khi nhà thầu trong nước chưa đảm nhận được, việc thi công các công trình cao ốc đều do nhà thầu nước ngoài chiếm lĩnh. Chính vì xếp hạng đầu bảng về trình độ kỹ thuật trong xây dựng nên nhà thầu nước ngoài đảm đương luôn nhiệm vụ điều phối giá cả thị trường. Trong đó, chiêu trò đẩy giá được các nhà thầu ngoại áp dụng phổ biến. Đơn cử, nhiều dự án xây dựng được nhà thẩu nước ngoài đội giá lên tới 2.000 – 3.000 USD/m2.
Tức là, giá trị ảo cao hơn giá trị thật khoảng 30 – 50%. Bức xúc về vị trí “đội sổ” xây dựng, doanh nghiệp trong nước nỗ lực phấn đấu. Đến nay, nhà thầu Việt có thể đảm đương công việc như nhà thầu nước ngoài. Mặt khác, doanh nghiệp trong nước còn kéo giá thành xây dựng xuống chỉ còn khoảng 1.000 USD/m2, thậm chí thấp hơn. Đơn cử, dự án xây dựng toà nhà ViettinBank Tower khi chào hàng các nhà thầu, nhà thầu quốc tế đưa ra chi phí lên đến 700 triệu USD. Tuy nhiên, với nhà thầu trong nước thì chi phí xây dựng cao ốc này chỉ ở mức 500 triệu USD. Kết quả, doanh nghiệp Việt Nam loại bỏ được nhà thầu ngoại ra khỏi cuộc chơi.
Giống như nhiều ngành khác, tiết giảm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển. Ví dụ, một khách sạn xây dựng với chi phí cao thì giá phòng cao, hiệu quả đầu tư kém làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, thu hút du lịch kém...
Ông Nguyễn Thành Long, điều hành Công ty House Link cho biết, Việt Nam được đánh giá là nước có chi phí xây dựng cực thấp, gần như thấp nhất thế giới. Và, các nước ASEAN chi phí xây dựng cũng tương đối thấp, đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong ngành xây dựng. Dựa trên thực tế chuyên gia và giới kinh doanh đánh giá, tuy tiềm năng của thị trường trong nước còn rất lớn. Nhằm phát triển vượt bậc hơn nữa doanh nghiệp trong nước không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân nhà. Tuy nhiên, nhà thầu Việt cần mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài để biết điểm mạnh, điểm yếu của mình từ đó, doanh nghiệp có thể giữ vững thị trường trong nước và từng bước vươn ra nước ngoài.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt đang có lợi thế trong khu vực đối với các công trình siêu cao tầng, đòi hỏi kỹ thuật cao, các công trình thuỷ điện,… nên cần tập trung khai thác lợi thế của mình. Nhưng trước khi khai thác được thị trường xây dựng của các nước trong khu vực đòi hỏi nhà thầu Việt phải giải quyết cho được tình trạng lao động hạn chế về chuyên môn và kỹ thuật. Có như thế mới hạn chế được khuyết điểm thâm hụt lao động của ngành xây dựng. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động trong ngành xây dựng gần như không thay đổi trong vòng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu, thừa thầy thiếu thợ . “Lao động có trình độ xây dựng trong nước đang rất khan hiếm. Công ty phải tự xây dựng phòng đào tạo riêng nhằm bổ sung nguồn nhân lực”- ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần xây dựng Cotec – Coteccons nhấn mạnh.
Bên cạnh sự thiếu hụt lao động xây dựng có tay nghề, Việt Nam đang là nước xuất siêu lao động chất lượng cao trong ngành xây dựng. Cảnh báo, khi hội nhập các điều kiện di chuyển lao động chất lượng cao sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn, dẫn đến nguy cơ chảy máu chất xám trong ngành này. Để chuẩn bị cho hội nhập, sắp tới nhà thầu trong nước nên chịu khó học tập kỹ thuật, phương thức sản xuất và quản lý. Bởi vì, một công trình chung cư cỡ 1.000 căn hộ ở Malaysia chỉ có khoảng 30 người quản lý với số công nhân xây dựng ít ỏi. Con số này quá ít so với một công trình tương tự ở Việt Nam.
Các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá, ngành xây dựng là một trong những ngành có nhiều tiềm năng cạnh tranh trong hội nhập. Nếu thua các công ty xây dựng quốc tế ngay trên sân nhà thì hậu quả rất nguy hiểm.
Theo Đại đoàn kết