Chiều 15/6 tại trụ sở Bộ GTVT đã diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ GTVT và Đại học Xây dựng.
Mục đích của việc ký kết này nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ ngành giao thông vận tải giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, việc ký kết cũng nhằm đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, làm chủ các công nghệ tiên tiến nhằm tăng khả năng và hiệu quả ứng dụng vật liệu mới, kết cấu mới trong xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì công trình giao thông. Đồng thời, đào tạo nhân lực khoa học công nghệ, nhân lực quản lý khoa học và quản trị công nghệ trình độ cao, phục vụ triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu, ứng dụng.
Cụ thể, Đại học Xây dựng sẽ hỗ trợ Bộ GTVT trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đánh giá chất lượng công trình giao thông trong quá trình khai thác; nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng công trình giao thông; nghiên cứu các giải pháp tổ chức, quản lý giao thông và ứng dụng giao thông thông minh; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trong lĩnh vực GTVT; nghiên cứu đánh giá hiệu quả các phương án đầu tư và hoàn chỉnh các mô hình hợp tác công-tư trong xây dựng và khai thác hệ thống GTVT.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng Đại học Xây dựng khẳng định: “Mặc dù mối quan hệ giữa Đại học Xây dựng và ngành giao thông đã có từ rất lâu nhưng đây là lần đầu tiên việc hợp tác được ký kết trên biên bản. Đại học Xây dựng rất mong muốn sự hợp tác này đóng góp vào sự phát triển của toàn ngành giao thông nói riêng và cho đất nước nói chung”.
Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chia sẻ: Bộ GTVT mong muốn Đại học Xây dựng giúp ngành giao thông ứng dụng vật liệu mới, thay đổi quy trình để giảm giá thành cũng như tăng chất lượng công trình giao thông.
“Các công trình gần đây mới đưa vào khai thác đạt chất lượng chưa cao. Hiện tượng hằn lún đường năm 2014 là 8-10%, mặc dù chúng tôi đã tích cực nghiên cứu, xử lý hằn lún nhưng tính đến nay hằn lún đường vẫn còn 3,54%. Người dân chỉ biết rằng công trình hàng nghìn tỷ nhưng hằn lún vẫn hoàn hằn lún. Vì vậy, Bộ GTVT mong muốn sự hợp tác này sẽ thật sự mang đến sự thay đổi cho ngành giao thông, đặc biệt là giải quyết vấn đề hằn lún đường”, Bộ trưởng cho biết.
Theo Báo điện tử Chính phủ