Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong hai năm 2013 – 2014, các giao dịch tăng trưởng liên tục. Đặc biệt, năm 2014, tổng kết 11 tháng vừa qua tại Hà Nội có 10.000 giao dịch thành công, bằng 200% so với 11 tháng năm 2013. Con số này mới chỉ là những giao dịch qua sàn được thống kê, báo cáo chính thức, chưa kể giao dịch tự phát trong dân. Tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 8.850 giao dịch thành công, tăng 35% so với cùng kỳ 2013.
Trên thực tế cũng nhận thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu khởi động lại dự án, bán hàng, đẩy mạnh tiếp thị bán hàng… Theo đó, các hoạt động khởi công, bàn giao cũng liên tục diễn ra. Chủ yếu các giao dịch diễn ra trong phân khúc vừa và nhỏ, đúng theo định hướng, giải pháp của Chính phủ, mặc dù khi đưa ra rất nhiều ý kiến phản đối.
Giao dịch tăng, song giá cơ bản ổn định, thậm chí vẫn có khu vực giảm. Sự tăng giá chỉ ghi nhận ở một số dự án có vị trí đẹp, giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, thứ trưởng Nam cho rằng giá BĐS thời gian vừa qua đã giảm về khá phù hợp với sức chi trả, tiêu dùng của người dân. Nhưng thực tế là sức mua vẫn đang yếu.
Thứ trưởng cũng khẳng định: “Giá nhà ở của Việt Nam không cao, không nằm trong top 20 quốc gia có giá nhà cao nhất thế giới. Trong khi Đông Nam Á có Singapore, Indonesia, châu Á có Trung Quốc, Nhật Bản nằm vào danh sách này. Mấu chốt là do lương của người dân Việt Nam còn quá thấp. Lương chỉ 2 – 3 triệu đồng/ tháng, yêu cầu bán nhà theo lương không hợp lý bởi giá các vật liệu cấu thành nhà như xi măng, kính, sứ vệ sinh… đều tính theo giá quốc tế. Vì thế, khi đặt vấn đề giá nhà cao, theo Thứ trưởng “cần có kiến thức và suy nghĩ hợp lý, nếu không sẽ gây bão không đúng trong xã hội”.
Ngoài ra, rất nhiều dấu hiệu tích cực khác cho thấy thị trường BĐS đã phục hồi cũng được Thứ trưởng đưa ra tại hội thảo: Tồn kho BĐS liên tục giảm. Tính đến 20/11 vừa qua,, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 77.800 tỷ đồng, giảm được 39% (khoảng hơn 50.000 tỷ đồng) so với quý I/2013. Dòng tiền đang hướng mạnh vào BĐS. Dư nợ tín dụng hết quý III/2014 đã tăng gần 12% với 293.000 tỷ đồng trong khi tín dụng chung chỉ đạt 6%. Thuế thu nhập DN trong BĐS cũng tăng.
Theo Kinh tế đô thị