Kinh doanh BĐS: Rộng cửa hơn cho “người ngoài”

Thứ tư, 18/06/2014 19:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 18/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Luật Kinh doanh BĐS với nội dung được quan tâm là mở rộng phạm vi kinh doanh trong lĩnh vực này của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Đa số các ý kiến đồng ý việc mở rộng như trong dự thảo là tạo sân chơi bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, tranh thủ được nguồn lực tài chính, nhân lực. Tuy nhiên, theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) vẫn phải đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước với các chủ thể này.

Đại biểu này nêu thực tế thời gian qua số lượng các dự án BĐS được cấp phép quá nhiều, nguồn cung dư thừa, điều kiện lỏng lẻo, doanh nghiệp bất kể quy mô nào cũng có thể tham gia kinh doanh BĐS, nhà đầu tư năng lực không đảm bảo dự án phải bỏ dở gây lãng phí nguồn lực. Vì vậy luật cần hạn chế tình trạng này, tăng cường tính trách nhiệm như tăng mức ký quỹ, phải mua bảo hiểm bắt buộc cho dự án.

Liên quan đến điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS tại khoản 2 Điều 8, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ tiêu chí để xác định mức độ kinh doanh BĐS có quy mô nhỏ, trên cơ sở đó phân biệt rõ những trường hợp phải thành lập doanh nghiệp hoặc không phải thành lập doanh nghiệp. Nhiều trường hợp kinh doanh quy mô nhỏ nhưng hệ số quay vòng nhanh, kinh doanh chuyên nghiệp tác động nhiều đến thị trường thì cũng cần điều chỉnh trong Luật.

Đối với quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (Điều 16) và bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (Điều 21), có ý kiến cho rằng quy định này khó khả thi trong thực tế vì ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro nếu dự án không thực hiện được, do vậy, ngân hàng sẽ không nhận bảo lãnh cho các dự án. Mặt khác, quy định khi dự án không thực hiện được thì ngân hàng tiếp tục tổ chức việc đầu tư xây dựng để bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng là khó khả thi.

Cũng có ý kiến cho rằng, quy định khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh cho phép là tăng thêm thủ tục hành chính (khoản 1 Điều 21) và đề nghị bỏ quy định này vì việc mua bán đã theo hợp đồng, mặt khác, đã có bảo lãnh của ngân hàng để giám sát tiến độ giải ngân và thực hiện dự án kinh doanh BĐS

Ngoài ra một số vấn đề liên quan đến dịch vụ quảng cáo, đấu giá BĐS, chính sách đầu tư kinh doanh BĐS, thanh toán trong giao dịch BĐS, quy định cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Theo đó, nhiều ý kiến tán thành việc quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân hành nghề môi giới BĐS (Điều 56) nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của cá nhân môi giới BĐS, bảo đảm quyền của các chủ thể tham gia thị trường BĐS.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ chứng chỉ hành nghề trong dự thảo Luật là giấy phép hành nghề hay chứng chỉ đào tạo nghề. Nếu là giấy phép hành nghề thì do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp và đề nghị phân cấp thẩm quyền này cho các địa phương, không nên tập trung ở Bộ Xây dựng, vốn là cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu là chứng chỉ đào tạo nghề thì phân cấp cho các hiệp hội, cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ.

Cũng trong chiều nay Quốc hội đã thông qua Luật Xây dựng (sửa đổi) với số đại biểu tán thành 397/432

Theo : Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)