Tham dự Hội thảo về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có: Chủ tịch Nguyễn Văn Cao, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện; ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (XDVN); bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia đông đảo của các vị khách quốc tế, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Huế, về quản lý phát triển đô thị… đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành của Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Cao - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế - khẳng định Thừa Thiên Huế là một tỉnh có bề dày lịch sử lâu đời với nhiều biến động về chính trị - xã hội, là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn hóa từ Bắc vào Nam, là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của Việt Nam với hai di sản văn hóa thế giới là Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn luôn kiên định mục tiêu đưa cả tỉnh lên thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, việc xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Trung ương của Thừa Thiên Huế rất khác so với các đô thị trực thuộc Trung ương khác của Việt Nam. Ông mong muốn các ý kiến tham gia tại Hội thảo sẽ góp phần giúp cho tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn chỉnh những cơ sở lý luận về tiềm năng, thế mạnh và đặc trưng văn hóa - xã hội, làm rõ và khẳng định hướng phát triển đô thị của Huế là thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị.
Tại Hội thảo, các tham luận đều tập trung phân tích vai trò, vị thế địa - văn hóa của Huế trên bản đồ Việt Nam, Đông Dương và khu vực, giải pháp xây dựng thương hiệu Cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới, bảo tồn di sản đô thị Huế. Theo đó, Huế - Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, đầy ắp những di tích - di sản và những tinh hoa. Đó không chỉ là những đối tượng để ngưỡng mộ, thưởng lãm và kế thừa mà còn là nguồn lực, là điểm tựa để phát triển. Huế cùng với Festival Huế đã góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, thu hút du khách, phát triển kinh tế, trở thành điểm đến của du lịch, điểm hẹn của di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại của Huế, của Việt Nam và nhiều nền văn hóa khác.
Toàn cảnh Hội thảo
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo còn tập trung phân tích triển vọng phát triển kinh tế Thừa Thiên Huế trong thế liên kết vùng và khu vực, phát triển Huế thực sự trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn và thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Vị trí địa - kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên Huế phát triển sản xuất hàng hóa và mở rộng giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh trong Vùng, trong cả nước và quốc tế; đồng thời, định vị vai trò kết nối đặc biệt quan trọng của Thừa Thiên Huế trong sự phát triển của Vùng.
Kết luận Hội thảo, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội XDVN cho biết đô thị Thừa Thiên Huế sẽ không phát triển như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh với các tòa nhà cao tầng, khu công nghiệp dày đặc và mật độ dân cư đông đúc, mà sẽ phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan đô thị, lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ để phát triển. Nói cách khác, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển đô thị một cách bền vững trên cơ sở thế mạnh đặc trưng của mình, theo mô hình: Thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường.
Thu Huyền