Niềm vinh dự này càng củng cố niềm tin trong một ngày không xa, Cát Bà sẽ trở thành Di sản thiên nhiên thế giới với những giá trị nổi bật toàn cầu về đa dạng sinh học cũng như một trung tâm sinh thái mang tầm quốc gia và thế giới.
Để điều đó trở thành hiện thực, Cát Bà cần có những quy hoạch về xây dựng cũng như hạ tầng cơ sở để có thể thu hút du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, tạo cho du lịch phát triển thành một thế mạnh riêng của Hải Phòng nói chung và của Cát Bà - một chùm ngọc xanh trên biển nói riêng.
Xây dựng hạ tầng đón đầu du lịch
Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải Đào Ngọc Linh cho biết: Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra mục tiêu đưa Cát Bà trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, xứng đáng với vị thế và tiềm năng của đảo Ngọc.
Trong đó, đề xuất quy hoạch xây dựng và nâng cấp bến tàu thủy phục vụ khách du lịch quốc tế và nội địa tại các bến đón khách du lịch từ đất liền ra đảo như bến tàu khách Cái Viềng, Phà Gót, bến phà Gia Luận và đề án xây dựng bến tàu du thuyền quốc tế tại Bến Bèo đạt tiêu chuẩn neo đậu cho các du thuyền lớn, có chất lượng cao từ 1 – 5 sao là những đề án đang được triển khai.
Đồng thời, việc lập đề án xây dựng sân bay ta-xi phục vụ du lịch trên đảo nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng các phương tiện vận chuyển thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng xanh.
Qua đó tiếp tục hoàn thiện đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, đặc biệt là hạ tầng tài chính, ngân hàng quốc tế nhằm tăng khả năng thanh toán quốc tế tại Cát Bà để khách quốc tế có một thị trường giao dịch du lịch điện tử thuận tiện nhất.
Bên cạnh đó, huyện còn tham mưa đề xuất xây dựng trung tâm thương mại lớn bán các sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản và các dược liệu quý theo mô hình điểm mua sắm trong các chương trình du lịch, ưu tiên những dự án xây dựng khu du lịch quốc tế cao cấp, quy mô lớn nhằm xây dựng hạ tầng du lịch chất lượng cao, đáp ứng được việc tổ chức các sự kiện kinh tế, văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong các hoạt động du lịch.
Đặc biệt là việc lập đề án quy hoạch và hoàn thiện xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái rừng – núi – biển, bộ sản phẩm du lịch theo mùa cho du khách trong nước và quốc tế phải từng bước được nâng cao để có cơ sở phát triển hơn du lịch trong mùa thấp điểm như mùa đông.
Có thể xây dựng các sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên như nghiên cứu khảo sát môi trường sinh thái, ngắm cảnh thiên nhiên, leo núi xuyên rừng…
Theo đó, tổng lượt khách du lịch đến Cát Bà đã đạt 1. 324.000 lượt khách trong năm 2013, trong đó khách quốc tế đạt 340.000 lượt người, nội địa 983.000 lượt người, mang lại tổng doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt 587,9 tỷ đồng.
Xứng tầm điểm du lịch quốc tế chất lượng cao
Trong đó chú trọng đến chất lượng tăng trưởng du lịch, phát triển du lịch quần đảo Cát Bà trở thành động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng và phát triển du lịch cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng; khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng và dịch vụ phản ánh đặc trưng của địa phương; ưu tiên phát triển du lịch cao cấp kết hợp hài hòa với du lịch đại chúng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và kỳ vọng của khách du lịch để tăng cường hiệu quả về kinh tế - xã hội trong phát triển du lịch; bảo tồn và tôn tạo các giá trị tài nguyên; phát triển du lịch gắn liền với đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...
Thành phố Hải Phòng đang triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia liên quan đến huyện Cát Hải và du lịch Hải Phòng, trong đó có cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện; đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu Tân Vũ - Cát Hải...
Do đó, quy hoạch đưa ra tầm nhìn để xây dựng quần đảo Cát Bà thành đảo xanh hấp dẫn hàng đầu thế giới là rất phù hợp xu hướng phát triển. Điều này cần sự đầu tư đồng bộ và tạo môi trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư.
Nhưng quan trọng hơn, ngay từ bây giờ cần có cơ chế, chính sách thông thoáng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài giàu tiềm năng, kinh nghiệm tham gia xây dựng và thực hiện quy hoạch.
Sáng sớm trên bãi tắm Cát Bà.
Đặc biệt, quy hoạch cần đưa ra được các mô hình phát triển, mà ở đó, người dân địa phương có điều kiện được đóng góp nhiều nhất vào công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa của tiền nhân và được hưởng nhiều lợi ích nhất từ các hoạt động du lịch.
Theo Báo Xây dựng điện tử