Theo các báo cáo mới nhất (ngày 25/11) của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 557 dự án đầu tư đăng ký mới. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,078 tỷ USD, chiếm 77,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ ba trong thu hút nhiều vốn FDI là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 20 dự án đầu tư mới, tăng 10 dự án so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 884 triệu USD.
Đầu năm 2013, Quỹ đầu tư Warburg Pincus - chủ chuỗi thương mại cao cấp Neiman Marcus - đã làm giới đầu tư Việt Nam xôn xao khi quyết định đầu tư 200 triệu USD vào mô hình bán lẻ mới của Vingroup. Khi chưa hết ngạc nhiên thì Quỹ đầu tư EXS Capital từ Nhật Bản công bố đầu tư 37 triệu USD vào Công ty Bất động sản Sơn Kim Land.
Thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến một số giao dịch đáng nể như: Lotte Hotels & Resorts (Hàn Quốc) mua Khách sạn Legend Hotel Saigon trị giá hơn 62 triệu USD; Mapletree (Singapore) mua lại cao ốc văn phòng Centre Point với hơn 52 triệu USD hay Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ mua cao ốc văn phòng Gemadept với giá trị khoảng 45 triệu USD.
Tập đoàn Tokyu đã đầu tư 1,2 tỷ USD xây dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương tại Bình Dương; quỹ đầu tư EXS Capital từ Nhật Bản đã đầu tư 37 triệu USD vào công ty bất động sản Sơn Kim Land... Hay Tập đoàn ALMA của Israel lại gây bất ngờ khi công bố sẽ đầu tư hơn 300 triệu USD xây dựng khu nghỉ dưỡng Bãi Rồng tại Bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa.
Gần đây nhất, Tập đoàn Deawoo E&C và Ngân hàng KDB đã cam kết sẽ tiếp tục "rót" 200 triệu USD cho "siêu dự án" Tây Hồ Tây với tên gọi là Starlake. 200 triệu USD được cho là bước tiến quan trọng của dự án Starlake nhưng đặt trong bối cảnh thị trường BĐS Việt Nam đang rất khó khăn hiện nay việc các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào dự án Starlake còn có ý nghĩa đặc biệt.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng thu hút nhà đầu tư ngoại. Bởi vì, thị trường bất động sản Việt Nam sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực như nhu cầu nhà ở hiện nay của người dân còn rất lớn, dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng ổn định, tốc độ đô thị hóa hiện còn chậm...
Bên cạnh đó, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế với những chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ trần lãi suất huy động vốn ngắn hạn, áp dụng việc giảm 50% thuế VAT cho các giao dịch căn hộ thương mại với diện tích sàn dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, cùng với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội.
Theo : chinhphu.vn