Vị trí thực hiện quy hoạch thuộc di tích lịch sử Dinh Độc Lập, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Quy hoạch này được thực hiện trên diện tích 12,695 ha (bao gồm diện tích các khu vực bảo vệ di tích hiện tại).
Trong khu bảo tồn (khu vực bảo vệ I) sẽ tiến hành các hoạt động tu bổ nhằm giữ gìn những giá trị về kiến trúc, đảm bảo giữ nguyên hình thức kiến trúc gốc, tôn tạo các công trình phụ trợ. Tổ chức các hoạt động phục vụ tham quan, tuyên truyền truyền thống lịch sử dân tộc.
Tại khu vực tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di tích (khu vực bảo vệ II) sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng văn hoá, cảnh quan đảm bảo không làm ảnh hưởng đến di tích gốc. Hạn chế xây dựng công trình cao tầng xung quanh khu vực bảo vệ I. Các công trình xây dựng mới chủ yếu trên nền các công trình cũ theo hình thức kiến trúc mái dốc, lợp ngói, phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, đồng thời hài hòa với các công trình kiến trúc sẵn có như nhà 106 Nguyễn Du, nhà nghỉ của cán bộ, công nhân viên và các công trình kiến trúc ở khu vực xung quanh Dinh Độc Lập.
Để đảm bảo bảo tồn cảnh quan di tích, các khu vực xung quanh di tích, trong bán kính từ 300 - 500 mét (tính từ Dinh thự chính), chiều cao các công trình giảm dần về phía Dinh, hạn chế xây dựng các cao ốc hiện đại; trong bán kính từ 200 - 300 mét (tính từ Dinh thự chính), giữ nguyên trạng, không tăng chiều cao các công trình đang cao hơn Dinh thự chính (26 mét); các công trình xây dựng mới có hình thức kiến trúc, màu sắc phù hợp với không gian di tích.
Giao thông trong khu vực Dinh Độc Lập chủ yếu là giao thông đi bộ (ngoài một số đoạn đường được sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, đường dành cho xe chuyên dụng hoạt động vào một thời gian nhất định trong ngày).
Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Dinh Độc Lập, Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc thông qua các di tích hiện còn. Tôn tạo kiến trúc cảnh quan, tạo điều kiện thuận lợi khai thác du lịch nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, phổ biến tri thức khoa học, phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá - du lịch của thành phố.
Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 10h45 ngày 30/4/1975 xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng thuộc Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc lập, tiếp đó xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh. 11h30 cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận - Ðại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Cờ phấp phới tung bay trên nóc Dinh, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân 2 miền Nam - Bắc sum họp một nhà. Tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam là độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà đã toàn thắng. Ngày nay, Dinh Ðộc lập là di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo trung ương cũng như của thành phố. Tháng 8/2009, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc lập là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt. |
Theo Chinhphu.vn