Gần 700 hộ nghèo có nhà phòng tránh lũ

Thứ hai, 08/04/2013 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chỉ sau gần 1 năm thực hiện Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 về triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo về chỗ ở an toàn, ứng phó với lũ, lụt ở Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, hầu hết các hộ dân thuộc dự án đã có nhà phòng tránh lũ.

Nhà phòng tránh lũ lụt cho các hộ dân. Ảnh: VGP

Ngày 8/4, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình thí điểm hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng chống lũ lụt khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Thực hiện Quyết định số 716/QĐ-TTg, các địa phương Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng lũ lụt nặng nề thuộc 7 tỉnh, gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên.

Chính sách phù hợp, tính khả thi cao, tạo đà phát triển kinh tế

Đến nay, mới gần 1 năm, đã có có 697/700 hộ đã hoàn thành xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt, đạt tỷ lệ 99,6%.

Tất cả các chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn cao hơn mức ngập cao nhất và có diện tích tối thiểu từ 10 m2 trở lên, có giá thành từ 30 - 40 triệu đồng, một số lên tới 50 – 60 triệu đồng.

Chòi phòng tránh lũ, lụt được xây dựng kiên cố, khung bê tông cốt thép, sàn đổ bê tông hoặc làm bằng gỗ, mái đổ bê tông hoặc lợp phibrô xi măng, bao che xung quanh bằng gạch.

Kết quả thực hiện Quyết định số 716 cho thấy quy định của chính sách phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao. Các quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, tạo thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện. Mức hỗ trợ, mức vay, mức huy động thêm từ cộng đồng đảm bảo phù hợp với mục tiêu của chính sách. Với mức hỗ trợ quy định, các hộ dân đã đảm bảo xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt theo các tiêu chí đề ra.

Mô hình xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt được chính quyền các địa phương và người dân đánh giá là có nhiều ưu điểm nổi trội so với các mô hình khác, đảm bảo phù hợp với thực tế trong điều kiện hiện nay.

Đây là chính sách được người dân đồng tình, ủng hộ, các tổ chức đoàn thể và chính quyền các địa phương đánh giá rất cao.

Mặc dù chỉ thực hiện thí điểm nhưng chương trình đã mang lại hiệu quả rất cao, giúp cho 700 hộ nghèo có nơi phòng tránh an toàn, nhờ đó người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Bài học kinh nghiệm

Việc thực hiện Chương trình thí điểm đã giúp cho các Bộ, ngành và các địa phương rút ra những kinh nghiệm cho quá trình xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ để khi triển khai trên diện rộng đạt hiệu quả cao hơn.

Theo đó phải khảo sát, đánh giá kỹ đối tượng được thụ hưởng chính sách; phân loại cụ thể khu vực, phạm vi bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ. Khi xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc ‘‘Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người dân tham gia đóng góp và tự tổ chức thực hiện’’ nhằm tăng tính chủ động và trách nhiệm của người dân.

Ngoài phòng tránh lũ, lụt, các mô hình còn có khả năng kết hợp chống được tác động của thiên tai khác như gió, bão.

Đặc biệt phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, và UBND các cấp, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể.

Đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai trên diện rộng

Sau quá trình thực hiện thí điểm, các địa phương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai trên diện rộng chính sách hỗ trợ hộ nghèo có chỗ ở an toàn, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, mở rộng đối tượng với các hộ cận nghèo.

Đồng thời, nâng mức hỗ trợ và mức vay ưu đãi để thực hiện đảm bảo phù hợp với thực tế; đồng thời bố trí kinh phí quản lý thực hiện chương trình cho các địa phương để đảm bảo thực hiện đạt hiệu quả theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Lồng ghép chính sách hỗ trợ nhà ở với chính sách hỗ trợ xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho các hộ nghèo để người dân kết hợp các nguồn vốn để nâng cao hiệu quả hỗ trợ.

Các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành để triển khai trên diện rộng.

Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị, các tỉnh tham gia chương trình thực hiện thí điểm cần tổ chức rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện, tiếp tục rà soát đối tượng, chuẩn bị điều kiện để tiếp tục triển khai trên diện rộng khi chính sách được ban hành.

Đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố không tham gia chương trình thí điểm cần tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm các địa phương đã thực hiện và chuẩn bị sẵn sàng để triển khai thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo trên địa bàn khi chính sách được ban hành.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, dân số trên 19 triệu người. Do đặc điểm địa lý, đây là khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đồng thời gây trở ngại cho việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 5 - 6 năm trở lại đây, thiên tai, lũ, lụt đã làm chết trên 1.500 người; nhiều tài sản, tư liệu sản xuất thiết yếu, lương thực, thực phẩm... bị phá huỷ, trong đó trên 500.000 căn nhà bị hư hỏng, hơn 42.000 căn nhà bị sập đổ hoặc nước cuốn trôi.

 

Theo : chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)