Mục tiêu của Đề án là hoàn thiện hệ thống các công trình văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đặc biệt các khu vực vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn. Từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình văn hóa có chất lượng cao, hiện đại, tầm cỡ khu vực.
Cụ thể, tại các đô thị đặc biệt như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng một số công trình văn hoá có quy mô lớn, hiện đại đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Ở các đô thị trung tâm vùng kinh tế - xã hội, đô thị loại I gồm các thành phố: Thái Nguyên, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và Cần Thơ, xây dựng một số công trình văn hoá có quy mô phù hợp, hiện đại đủ điều kiện tổ chức sự kiện cho vùng và quốc gia.
Còn tại các đô thị loại II, loại III và một số khu dân cư cạnh khu công nghiệp lớn, khu du lịch quốc gia, khu đô thị đông dân cư sẽ xây dựng một số công trình văn hóa (thiết chế tổng hợp), tuỳ theo quy mô dân số và đặc điểm của từng tỉnh, thành phố có thể bao gồm 1 đến 3 chức năng (rạp, cụm rạp chiếu phim; rạp hát; nhà triển lãm) trong một thiết chế văn hoá.
Nâng cấp và xây mới 71 nhà hát, 106 rạp chiếu phim
Theo Đề án, cần xây mới 51 nhà hát, nâng cấp 20 nhà hát. Cụ thể, xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn từ 2.000 - 2.500 ghế, với trang thiết bị hiện đại chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, ánh sáng và cơ khí sân khấu. Trong đó, tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xây mới công trình nhà hát có quy mô lớn từ 2.500 - 3.000 ghế. Đồng thời, xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm và các thành phố là trung tâm vùng, trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn.
Tổng số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng mới là 106 rạp. Cụ thể xây mới 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với quy mô khoảng 1.500 ghế, mỗi cụm rạp có từ 8 - 10 phòng chiếu và có thể bố trí một số rạp chiếu phim công nghệ 3D, 4D và các dịch vụ văn hóa tổng hợp khác, đảm bảo có thể tổ chức liên hoan phim quốc tế và trong nước.
Cũng theo Đề án, tổng số nhà triển lãm cần nâng cấp và xây dựng mới là 66 công trình. Cụ thể, đầu tư nâng cấp nhà triển lãm văn học nghệ thuật Việt Nam hiện có tại Hà Nội với quy mô có thể tổ chức các cuộc triển lãm quốc tế, diện tích khoảng 24.000 m2 sàn xây dựng, với trang thiết bị hiện đại. Xây mới 1 công trình tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, đầu tư trang thiết bị cho Đội chiếu bóng lưu động, trang thiết bị phục vụ biểu diễn cho các Đoàn nghệ thuật, các nhà văn hóa ở các tỉnh có quận, huyện hải đảo, vùng sâu, vùng xa gồm 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, 2 tỉnh đồng bằng sông Hồng, 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, 5 tỉnh Tây Nguyên, 2 tỉnh Đông Nam Bộ và 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2012- 2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng (chiếm 60,2%), còn các nguồn huy động khác 4.300 tỷ đồng (chiếm 39,8%).
Theo : chinhphu.vn