Chương trình hành động là căn cứ để các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng Chương trình hành động theo chức năng nhiệm vụ được giao, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015.
Xây dựng cơ chế vận hành đồng bộ thông suốt các loại thị trường
Một trong các nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động của Chính phủ là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, trong đó tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật, thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, nước và về quản lý, sử dụng tài sản công.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế vận hành đồng bộ thông suốt các loại thị trường (hàng hóa, tài chính, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học - công nghệ...).
Thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo chương trình hành động được Chính phủ phê duyệt.
Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế đến năm 2020 theo lộ trình phù hợp, trong đó đổi mới quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn...
Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đưa ra nhiệm vụ chủ yếu phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, hóa chất, phân bón, vật liệu, cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường. Phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, ưu tiên phát triển những sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất công nghiệp. Ổn định quy hoạch ba loại rừng, phát triển kinh tế rừng góp phần từng bước cải thiện đời sống nhân dân trồng và bảo vệ rừng. Quy hoạch và phát triển có hiệu quả nghề muối, bảo đảm nhu cầu của đất nước và đời sống diêm dân.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao (du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế); hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn đặc biệt khó khăn
Chương trình hành động nêu rõ, phát triển hài hòa, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn đặc biệt khó khăn. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng, vùng kinh tế trọng điểm phù hợp với Chiến lược kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển trung tâm xã, cụm xã quốc gia. Phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và phát triển kinh tế biển thích ứng biến đổi khí hậu.
Thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, chú trọng chương trình nhà ở xã hội, phục vụ người nghèo, vùng khó khăn.
Đồng thời, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, tập trung giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Tập trung tái cơ cấu đầu tư khoa học, công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ cao, đầu tư xây dựng một số viện nghiên cứu trọng điểm đầu ngành và một số trường đại học nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; cải cách chính sách việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Theo : chinhphu.vn