Kết quả khảo sát, nghiên cứu động đất tại Quảng Nam

Thứ tư, 12/09/2012 16:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 12/9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc họp nghe đoàn công tác của Bộ Khoa học Công Nghệ báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu động đất tại Thủy điện Sông Tranh 2.

Cuộc họp về kết quả khảo sát, nghiên cứu động đất tại Thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh VGP

Theo kết luận của đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 17/8 đến 7/9/2012 các trạm động đất Huế và Bình Định và các máy gia tốc của Ban QLTĐ3 đặt tại khu vực đập đã ghi nhận được 15 trận động đất, trận vào lúc 20h46 ngày 3/9 có M=4,2 và trận vào lúc 9h27 ngày 7/9 có M=4,0 là hai trận lớn nhất.

Khảo sát khu vực 5 huyện: Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Phước Sơn cho thấy các trận động đất lúc 20h47 ngày 3/9/2012 gây nên chấn động cực đại là cấp 6 (theo thang MSK64). Vùng chấn động cấp 6 kéo dài theo phương tây bắc – đông nam dài khoảng 20 km, chiều rộng khoảng 10 km bao cả khu vực đập. Vùng chấn động cấp 5 kéo dài khoảng 40km và rộng khoảng 20km, bao gồm một số xã thuộc địa phận Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức. Vùng chấn động cấp 4 bao gồm một số xã ở Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn.

Trận động đất lớn nhất M=4,2 ngày 3/9 gây chấn động lớn nhất là cấp 6 theo thang MSK64, tương đương chấn động cực đại gây bởi trận động đất M=3,4 tháng 11/2011. Độ lớn động đất mạnh hơn, vùng chấn động rộng hơn. Gia tốc lớn nhất đo được ở vai trái của đập là 88,3 m/s2 chưa vượt qua ngưỡng gia tốc động đất thiết kế cho đập thủy điện Sông Tranh 2 là 150 cm/s2. Các trận động đất vừa qua không ảnh hưởng gì tới đập.

Động đất khu vưc thủy điện Sông Tranh chưa có dấu hiệu suy giảm về độ lớn (tháng 11/2011 có 2 trận động đất M=3,4; tháng 3/2012 có 1 trận M=3,1, tháng 9/2012 có 2 trận M>4,0) cũng như về tần suất động đất. Diễn biến của động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh diễn ra là diễn biến bình thường như ở các khu vực thủy điện khác.

Khi hồ thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ và do đó làm giảm độ bền cắt của các đất đá trong đới. Khi đứt gẫy hoạt động đã ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền cắt của đất đá trong đới đứt gẫy dẫn tới việc xảy ra dịch trượt làm cho động đất phát sinh. Vì lý do này, động đất kích thích do hồ chứa thường xảy ra tại lân cận vùng hồ. Các động đất tại Bắc Trà My cũng xẩy ra quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2.

TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa chất lý giải, việc xuất hiện động đất kích thích do hồ chứa xuất hiện không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam đã từng quan sát được sự xuất hiện của động đất kích thích có độ lớn M=4.8 tại hồ thủy điện Hòa Bình sau khi tích nước 6-7 tháng. Nhiều động đất nhỏ hơn còn theo dõi được đến 4 – 5 năm sau với tần suất và độ lớn giảm dần. Trong trường hợp này, khi ứng suất trong vỏ Trái đất ở khu vực đã đạt đến trạng thái cân bằng, hoạt động động đất kết thúc, chế độ hoạt động động đất ở khu vực sẽ trở về chế độ hoạt động động đất kiến tạo bình thường.

Các nhà khoa học cho rằng, động đất xảy ra tại Bắc Trà My không có dấu hiệu giảm, nhưng động đất sẽ không vượt quá cấp mức độ cực đại là 5,5 độ Ricter, còn vị trí xảy ra thì cần có thời gian để xác định. Đồng thời, các nhà khoa học khuyến cáo người dân bình tĩnh xử lý, không nên quá lo lắng, khi xảy ra động đất.

Đại diện Bộ Khoa học Công nghệ cũng cho biết, đã có quyết định phê duyệt việc triển khai đề tài “Nghiên cứu động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh”. Đề tài sẽ được triển khai trong thời gian tới với việc lắp đặt 5 trạm địa chấn để theo dõi tình hình hoạt động động đất, đánh giá xu thế hoạt động động đất kích thích trong khu vực, nghiên cứu chi tiết các điều kiện địa chất và địa động lực phục vụ việc đảm bảo an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2.

Theo : Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)