Nâng mức bồi dưỡng cho người lao động lĩnh vực đặc thù
Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức quản lý một số ngành, nghề trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.
Nội dung này được thể hiện trong Quyết định 43/2012/QĐ-TTg sửa đổi tên gọi và sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Quyết định 234/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong công ty nhà nước.
Theo quy định mới hiệu lực từ ngày 1/12/2012, tăng chế độ ăn định lượng tính thành tiền theo ngày làm việc thực tế. Cụ thể gồm các mức:
Mức 1 tăng từ 32.000 đồng/ngày lên 77.000 đồng/ngày áp dụng đối với công nhân đèn luồng từ cửa biển vào cảng; công nhân, nhân viên trong thời gian đo đạc, chụp ảnh hàng hải thành lập bản đồ địa hình, bản đồ biển.
Mức 2 tăng từ 37.000 đồng/ngày lên 93.000 đồng/ngày áp dụng đối với công nhân khai thác khoáng sản trong hầm lò, công nhân cơ điện lò, công nhân vận hành máy liên hợp đào lò và khai thác khoáng sản trong hầm lò; lái đầu máy và phụ lái đầu máy xe lửa; công nhân, nhân viên làm công việc áp tải, chuyển tải, giao nhận than trên biển; thuyền viên tàu vận tải biển, tàu công trình biển, tàu thả phao ngoài biển, tàu địa vật lý, hộ tống, dịch vụ, tiếp tế làm việc trên biển;...
Mức 3 áp dụng đối với thợ lặn; thuyền viên tàu đánh bắt thủy sản, vận chuyển hàng thủy sản đi biển xa có công suất từ 800 sức ngựa trở lên; tàu trục vớt, cứu hộ; tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải; nhân viên hoa tiêu hàng hải làm nhiệm vụ dẫn tàu chở dầu từ các giàn khoan ngoài biển. Mức tăng là từ 45.000 đồng/ngày lên 108.000 đồng/ngày.
Mức 4 áp dụng đối với thành viên tổ lái máy bay; công nhân, nhân viên làm việc trên các tàu vận tải biển trong thời gian đi nước ngoài; công nhân đào lò giếng đứng, khai thác than khoáng sản trong hầm lò độ sâu trên 100 mét; công nhân, nhân viên làm việc tại các luồng tàu biển, các trạm đèn biển (trừ đối tượng đã áp dụng mức ăn định lượng theo quy định tại mức 5) được tăng từ 80.000 đồng/ngày lên 170.000 đồng/ngày.
Công nhân, nhân viên là người Việt Nam làm việc tại các giàn khoan, các tàu dịch vụ vận tải dầu khí trên biển; công nhân, nhân viên làm việc tại các trạm đèn biển thuộc quần đảo Trường Sa và các trạm đèn biển nằm biệt lập cách đất liền trên 20 hải lý được áp dụng mức 5 là 232.000 đồng/ngày (quy định cũ là 110.000 đồng/ngày).
Hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số vùng khó khăn
Theo Quyết định 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/12/2012, các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, định mức lao động, tiền thuê đất.
Đối tượng áp dụng gồm: Các công ty TNHH một thành viên nông, lâm, thủy sản do nhà nước làm chủ sở hữu; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; hợp tác xã; các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (gọi chung là đơn vị sử dụng lao động) có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
4 trường hợp trả lại Chứng chỉ hành nghề dược
Theo Nghị định 89/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật dược, có 4 trường hợp trả lại Chứng chỉ hành nghề dược.
4 trường hợp trên gồm: 1- Cơ sở kinh doanh thuốc thay đổi người quản lý chuyên môn về dược; 2- Cơ sở kinh doanh thuốc chấm dứt hoạt động kinh doanh; 3- Cơ sở nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc nhưng nhận được văn bản trở lời không cấp của cơ quan tiếp nhận hồ sơ: 4- Cá nhân xin cấp lại Chứng chỉ hành nghề dược (đối với các Chứng chỉ hành nghề đã cấp có thời hạn 5 năm).
Nghị định 89/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2012.
Bổ sung quy định về tuổi đời hưởng lương hưu
Theo Thông tư 23/2012/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 1/12/2012, thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.
Trường hợp hồ sơ người lao động không ghi ngày sinh, tháng sinh (chỉ ghi năm sinh) thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 1/1 của năm liền kề sau năm người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.
Về thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, Thông tư mới quy định: Thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ ngày 1 tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
3 trường hợp xem xét điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh
Theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2012, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xem xét điều chỉnh trong 3 trường hợp: 1- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; 2- Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương; 3- Khi có biến động giá của các yếu tố đầu vào.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là số tiến phải trả cho mỗi dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện theo lộ trình.
Năm 2013 giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp sau: 1- Tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện dịch vụ (bao gồm cả chi phí bảo quản, hao hụt theo định mức được cơ quan có thẩm quyền quy định); 2- Tiền điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường trực tiếp để thực hiện dịch vụ; 3- Duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; 4- Chi phí trả phụ cấp thường trực, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.
Giai đoạn 2014 - 2017, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở các khoản chi phí nêu trên, đồng thời tính cả chi phí về tiền lương; chi phí nhân công thuê ngoài (nếu có), chi phí đặc thù; khấu hao tài sản cố định; chi phí gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện.
Trong đó, năm 2014-2015, chi phí tiền lương chỉ tính 30% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi, Tây Nguyên và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến Trung ương và của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
Còn từ năm 2016-2017 được tính 100% Quỹ tiền lương cơ bản đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến huyện còn lại.
Nghị định nêu rõ, giai đoạn từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ, bao gồm cả chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.
Nghiêm cấm cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số
Đây là một trong những điểm mới được nêu tại Nghị định số 78/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xổ số.
Theo quy định mới, bổ sung thêm 2 hành vi bị nghiêm cấm là cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số; Lợi dụng hình thức khuyến mại mang tính may rủi để kinh doanh xổ số trái phép với mục tiêu kiếm lợi nhuận thông qua việc thu tiền của khách hàng.
Còn các hành vi bị nghiêm cấm khác đã quy định tại Nghị định 30/2007/NĐ-CP trước đây vẫn được thực hiện, đó là nghiêm cấm: Tổ chức kinh doanh xổ số trái phép dưới mọi hình thức và mọi loại phương tiện; Sử dụng kết quả xổ số do các doanh nghiệp kinh doanh xổ số phát hành để tổ chức các chương trình dự thưởng; Phát hành xổ số từ nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân ở trong nước; Làm sai lệch kết quả trúng thưởng...,
Nghị định 78/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2012.
Thêm 2 trường hợp công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt
Theo quy định mới tại Thông tư 165/2012/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong 4 trường hợp thay vì 2 trường hợp được quy định tại Thông tư 226/2010/TT-BTC trước đây.
Cụ thể, theo Thông tư 226/2010/TT-BTC chỉ có 2 trường hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt là: 1- Tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%; 2- Không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời hạn 12 tháng.
Ngoài 2 trường hợp trên, Thông tư mới bổ sung thêm 2 trường hợp nữa gồm: 1- Không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong 2 kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo quy định; 2- Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp nhận, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến ngoại trừ một số các chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%.
Kiểm tra về đo lường thường xuyên hoặc đột xuất
Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đo lường có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2012, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất để xem xét, đánh giá sự phù hợp của chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường với yêu cầu quy định.
Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính về đo lường, Thanh tra viên khoa học và công nghệ là thành viên đoàn kiểm tra hoặc Trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý hoặc chuyển cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Công bố danh sách khu neo đậu tránh trú bão hàng năm
Theo Nghị định về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trước ngày 1/4 hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Danh sách các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên phạm vi cả nước.
Theo quy định, khi có bão, áp thấp nhiệt đới, tàu cá và các loại tàu thuyền khác được vào tránh trú bão không phải nộp phí.
Khi vào khu neo đậu tránh trú bão, thuyền trưởng hoặc người điều khiển tàu cá phải chấp hành sự điều hành và hướng dẫn của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Khi đã neo đậu an toàn, những đối tượng này phải có trách nhiệm thông báo cho Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn về tên, số đăng ký, tình trạng của tàu, số người trên tàu và các yêu cầu khác (nếu có).
Tàu cá chỉ được rời khu neo đậu tránh trú bão khi có thông báo bão, áp thấp nhiệt đới đã tan hoặc có lệnh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2012.
Thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm
Theo Quyết định 47/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy.
Quỹ phòng, chống tội phạm của Trung ương giao Bộ trưởng Bộ Công an quản lý, điều hành. Quỹ phòng chống tội phạm cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quản lý, điều hành.
Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương sẽ hỗ trợ hoạt động truy quét các băng, ổ, nhóm tội phạm; hỗ trợ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án điểm, trọng điểm; hỗ trợ việc thưởng bằng tiền theo Quyết định của cấp có thẩm quyền của Trung ương đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích suất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy theo quy định;... và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc cai nghiện, phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy.
Đối với Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh, hỗ trợ các đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy trên địa bàn mua sắm trang, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ trực tiếp công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy.
Bên cạnh đó, hỗ trợ thân nhân những người hy sinh (gồm vợ hoặc chồng, cha mẹ ruột, con ruột, con nuôi hợp pháp, người có công nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật), những người bị thương tật, ốm đau do trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy.;...
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2012.
Nguyên tắc xuất khẩu cây cảnh, cây cổ thụ
Chỉ được xuất khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ do tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tự gây trồng và cây có nguồn gốc nhập khẩu kinh doanh.
Đó là nguyên tắc xuất khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ tại Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2012..
Cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập-tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu phải làm thủ tục hải quan và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành.
Quyết định cũng nêu rõ, hồ sơ vận chuyển, cất giữ, kinh doanh trong nước đối với các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán, nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên của tổ chức xuất ra đều phải có hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại hoặc UBND cấp xã.
Trường hợp do cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra thì phải có bảng cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có xác nhận của UBND cấp xã.
Quy định hoạt động thông tin của báo chí nước ngoài tại Việt Nam
Theo Nghị định 88/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2012, mọi hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam chỉ được phép tiến hành sau khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Đối với phóng viên không thường trú, phóng viên nước ngoài có yêu cầu hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam phải gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị trực tiếp, qua bưu điện, fax hoặc thư điện tử đến Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc các cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài ít nhất 10 ngày làm việc trước ngày dự định vào Việt Nam. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có ý kiến trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận bằng văn bản cho phóng viên nước ngoài.
Trường hợp được chấp thuận, Bộ Ngoại giao sẽ cấp Giấy phép hoạt động báo chí cho phóng viên nước ngoài. Khi hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam, phóng viên không thường trú phải mang theo Giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Ngoại giao cấp và hộ chiếu.
Cơ quan báo chí nước ngoài có nhu cầu lập Văn phòng thường trú tại Việt Nam gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị lập Văn phòng thường trú trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao sẽ cấp Giấy phép lập Văn phòng thường trú tại Việt Nam cho cơ quan báo chí nước ngoài nếu được chấp thuận.
Văn phòng thường trú được phép đặt trụ sở tại Hà Nội hoặc một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự kiến sẽ đặt Văn phòng thường trú.
Theo : chinhphu.vn