Sáng 23/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Thị trường bất động sản năm 2014: Cơ hội từ chính sách”.
Các đại biểu tại buổi tọa đàm.
Thông tin tại buổi tọa đàm cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản đang tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, lượng giao dịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, giá nhà có dấu hiệu chững lại, không giảm liên tiếp như năm ngoái, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội có chuyển biến tích cực, trong đó các dự án tồn kho đã có lượng giao dịch khá, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, giá nhà đang dần ổn định, có tác động tích cực, tạo thêm niềm tin của khách hàng vào thị trường.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CEN Group có cái nhìn lạc quan vào thị trường bất động sản trong năm 2014: “Quý vừa qua, thị trường bất động sản, đặc biệt trong các quận trung tâm và nội thành, cơ bản hoàn thành đã có sự tăng giá nhẹ. Dấu hiệu tăng giá là biểu hiện rõ ràng nhất sự tham gia của các nhà đầu tư. Điều này sẽ làm lên giá vì họ sẽ phải bán giá cao hơn để thu lợi nhuận và có lợi nhuận thì lại thu hút các nhà đầu tư khác tiếp tục tham gia. Có thể nói rất chắc chắn thị trường bất động sản của Việt Nam đã chính thức tan băng”.
Thời gian qua, có nhiều tín hiệu vui từ thị trường, trong đó có các giải pháp tài chính từ phía các ngân hàng, trong đó có gói 30 nghìn tỉ đồng và gói 50 nghìn tỉ đồng. Trong đó, gói 30 nghìn tỉ đồng nhằm vào các sản phẩm nhà ở xã hội và là chương trình của Chính phủ; còn gói 50 nghìn tỉ đồng là gói tín dụng thương mại trong sản xuất nhằm tạo ra hiệu ứng lớn nhắm vào các dự án đang dở dang.
Tuy nhiên, hiện tại gói 30 nghìn tỷ đồng có tốc độ giải ngân chậm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng: “Bộ Xây dựng đã có tờ trình Chính phủ đề xuất thêm những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng này. Một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là kéo dài thời hạn trả nợ vay từ 10 năm lên 15 năm. Mỗi kỳ trả nợ người dân sẽ phải trả số tiền kéo dài ra và như vậy mỗi lần trả nợ sẽ ít đim, từ đó tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp sẽ có khả năng trả nợ phù hợp hơn. Thứ nữa trong tờ trình này chúng tôi mở rộng thêm các đối tượng được vay từ các gói tín dụng này./.
Theo : VOV online