“Nhất thủy, nhì hỏa, ba đạo tặc”, người dân Việt Nam đã đánh giá lũ, lụt là một thiên tai nguy hiểm nhất đe dọa cuộc sống và gây thiệt hại lớn đối với người dân. Hậu quả khủng khiếp của lũ, lụt đã được ghi chép trong lịch sử cận đại ở hầu hết các thời kỳ.
Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới được phân bố thành 3 vùng. Miền Bắc mang khí hậu cận nhiệt đới ẩm, Bắc Trung Bộ có khí hậu nhiệt đới gió mùa, Miền Nam và Nam Trung Bộ mang đặc điểm nhiệt đới XaVan. Đông Nam Á được xem là “rốn bão” của thế giới. Việt Nam với khoảng 3.350 km bờ biển là một trong 10 nước chịu tác động lớn nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Vùng lũ, lụt ở Việt Nam có nhiều khu vực với các dạng địa hình khác nhau. Triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh, vùng lụt do mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ, vùng lũ, lụt do tác động của dòng sông Hương, lũ, lụt ở miền Trung, vùng Đông, Tây Bắc….với những nguyên nhân khác nhau như lũ quét sau mưa bão, xả nước thủy điện.
Mặt khác, về mặt thời điểm ngập lụt, tốc độ nước dâng cao, mức độ và thời gian nước rút rất khác nhau. Giải pháp để giải quyết sự khác nhau này không hề đơn giản, nó đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành một cách hiệu quả.
Nhà ở cho vùng lũ, lụt được nhiều thành phần xã hội trong và ngoài nước rất quan tâm. Trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng cho đến nay, hầu hết các giải pháp đó chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân Việt Nam ở nhiều yếu tố (đặc biệt chưa có phương án cải tạo nhà ở bình thường thành nhà tránh lũ, lụt). Chúng ta có thể tạm phân chia các dạng nhà tránh lũ hiện nay như sau:
Nhà tránh lũ dạng chòi: Tuy cách thức xây dựng kiến trúc đơn giản nhưng tính khả thi chưa được cao do sự áp đặt kiến trúc, khả năng kháng lũ, lụt thấp (chỉ khoảng vài mét), giá thành xây dựng, hiệu quả sự dụng và sự hài hòa với không gian kiến trúc chung. Với giải pháp này, rất khó để triển khai một quy hoạch định hướng thật chi tiết, rõ ràng và đồng bộ. Điều này đã thể hiện rõ qua thực tế.
Nhà tre tránh lũ: Sử dụng vật liệu địa phương quen thuộc nhưng độ bền không cao, khả năng kháng lũ chỉ vài mét, kiến trúc có tính áp đặt, giá thành rất cao so với tuổi thọ công trình, đòi hỏi khá nhiều kỹ thuật và khó có thể triển khai trên diện rộng.
Nhà nổi: Giải pháp này được áp dụng nhiều trên thế giới, khả năng kháng lũ cao nhưng khó phù hợp với điều kiện Việt Nam do giá thành xây dựng cao, đòi hỏi nhiều kỹ thuật, kiến trúc áp đặt và khả năng gây lật khi dòng lũ xoáy, tuổi thọ công trình thấp.
Sơ đồ giải pháp EBH Greenarchi 2.0
Tuy nhiên, điều mong mỏi của chính quyền và người dân được sống bình thường, an toàn trong một ngôi nhà quen thuộc khi lũ, lụt tràn về. Ngôi nhà có khả năng chịu được đỉnh lũ cao hàng chục mét, có khả năng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, có tính tùy biến cao, chống nóng, chống lạnh.
Giá thành xây dựng thấp, bền vững, tính kiến trúc, sự hài hòa với không gian kiến trúc chung. Khai thác được tối đa vật liệu địa phương với thời gian thi công nhanh chóng, đơn giản để có thể tận dụng các nguồn lực từ chính quyền và nhân dân. Áp dụng được đại trà cho các khối công trình khác như chuồng gia súc, gia cầm, sân vườn... Mặt khác, cần có giải pháp để biến những ngôi nhà bình thường hiện nay thành ngôi nhà phòng, chống lũ chủ động mà không thay đổi kiến trúc, kết cấu, kỹ thuật đơn giản, giá thành rẻ, bền vững và người dân có thể tự triển khai.
Sau một thời gian khá dài nghiên cứu, nhóm Greenarchi đưa ra giải pháp cho ngôi nhà phòng, chống lũ, lụt chủ động, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, có tuổi thọ hàng trăm năm, tính nhân văn cao, có ý nghĩa xã hội lớn, với tên gọi EBH Greenarchi 2.0. Nó thỏa mãn được hầu hết các nhu cầu cốt lõi của người dân, giúp chính quyền thuân lợi hơn trong việc tổ chức quản lý, hướng dẫn người dân tự triển khai xây dựng một cách nhanh chóng, đơn giản.
Về mặt kỹ thuật:
Cốt lõi của giải pháp EBH Greenarchi 2.0 là nền nhà tự nổi lên khi lũ, lụt tràn về một cách chủ động biến nền nhà thành một chiếc bè nổi ngay trong lòng nhà. Khi nước vượt trên 4m, nền nhà sẽ đẩy mái nổi lên theo như một cái bè có mái làm cho khả năng kháng lũ hàng chục mét một cách đơn giản. Việc sinh hoạt trong ngôi nhà trong thời gian lũ, lụt do đó cũng bình thường.
Nền nhà tự nổi làm bằng mốp xốp EPS được bọc bởi tấm 3D hoặc vật liệu tương đương nên độ bền hàng trăm năm mà không cần phải bảo dưỡng.
Vật liệu làm tường nhà chủ yếu bằng bao cát nên có khả năng chống lũ có vận tốc dòng chảy lớn, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không gây ảnh hưởng môi trường ngay cả giai đoạn thi công, tận dụng được rác thải (vỏ bao tải).
Với công nghệ này, chúng tôi đã xây dựng thành công nhà mẫu tại ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Trụ gạch hoặc gạch cốt thép làm khung nhà được trát bằng vữa xi măng cát cũng có tuổi thọ hàng chục đến hàng trăm năm. Các tường phân chia không gian làm bằng bao cát, vật liệu thông thường (xây gạch, vật liệu nhẹ.)
Mái nhà có thể lợp bằng các vật liệu nhẹ như tôn, rơm, rạ, lá cọ... trên hệ thống dàn vì kèo bằng gỗ, thép, tre, nứa. Đỉnh mái có phần đóng mở được để đón gió, đối lưu không khí, điều hòa vi khí hậu.
Khi nước lũ vượt đỉnh tường nhà (khoảng trên 4m), EBH Greenarchi 2.0 sẽ biến phần nền và mái thành một chiếc bè an toàn có thể di chuyển đến vị trí thuận lợi. Toàn bộ đồ đạc trong ngôi nhà được đảm bảo.
Mặt khác, thời gian thi công chỉ từ 10 ngày đến 20 ngày nên sẽ nhanh chóng triển khai được nhiều công trình trên diện rộng với tốc độ lớn. Tận dụng được tối đa vật liệu tại chỗ. Việc cải tạo những ngôi nhà đang tồn tại thành nhà kháng lũ, lụt cũng hết sức đơn giản (thời gian công chỉ khoảng 5 ngày) bằng cách thay nền nhà bằng nền nhà có khả năng nổi ở trên.
Về mặt kiến trúc:
Việc tổ chức công năng ngôi nhà bình thường như những ngôi nhà khác nên kiến trúc không bị áp đặt, không phá vỡ không gian cảnh quan xung quanh giúp kiến trúc sư thỏa sức sáng tạo.
Mặt khác, việc triển khai EBH Greenarchi 2.0 còn giúp kiến trúc sư tiếp cận sâu với người dân tạo thuận lợi cho sự can thiệp có định hướng vào không gian kiến trúc chung của từng địa phương, điều mà hiện nay đang gần như bỏ ngỏ.
Về kinh tế: Với những ưu thế trên, chi phí để hoàn thiện ngôi nhà chỉ từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/m2 (đối với công trình xây mới) và từ 500.000 – 700.000 đồng/m2 với công trình cải tạo. Theo tính toán, chỉ với khoảng 50 triệu đồng (đối với xây mới), khoảng 10 triệu đồng (đối với nhà cải tạo), người dân hoàn toàn có thể làm cho mình 1 ngôi nhà bền vững, phù hợp với tập quán địa phương. Đây có lẽ là phương án bền vững, rẻ tiền và có khả năng khả thi nhất hiện nay.
Ý nghĩa nhân văn của giải pháp
Do giá thành rẻ, kỹ thuật đơn giản, định hướng dễ dàng nên người dân có thể tự triển khai xây dựng giúp họ có nhà ở bền vững, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, ổn định chính trị, số người thiệt mạng, ngân sách chi cho cứu trợ bão lụt hàng năm của nhà nước sẽ giảm rõ rệt.
Khi được triển khai đại trà, EBH Greenarchi 2.0 sẽ giúp nhiều người sống bình thường trong giai đoạn lũ, lụt. Nó giúp cho việc bảo về tài nguyên, môi trường, tiết kiệm năng lượng, góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu, điều mà cả nhân loại đang quan tâm.
Từ những điều đó nhân văn đó, mô hình có nhiều ưu điểm này cần được sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội để sớm được triển khai giúp nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi lũ, lụt có điều kiện sống tốt hơn./.
Theo : VOV.VN