Năm 2010, cạnh tranh trên thị trường XM càng trở nên khốc liệt hơn, đánh dấu sự phát triển rất mạnh về nguồn cung XM trong nước với sự ra đời của nhiều nhà máy mới có công suất lớn đi vào hoạt động. Đây cũng là thời kỳ mà tất cả thành phần kinh tế, từ nhà nước đến tư nhân đều tham gia đầu tư mạnh mẽ vào ngành XM. Vì thế, quan hệ cung - cầu đã chuyển từ trạng thái cung nhỏ hơn cầu (2006 - 2008) sang cung lớn hơn cầu từ 2009. Trước tình hình đó VICEM đã xây dựng chiến lược kinh doanh, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp về thị trường đẩy mạnh tiêu thụ, giữ thị phần, ổn định sản xuất.
Hiện cả nước có 105 dây chuyền sản xuất XM với tổng công suất thiết kế đạt 61 triệu tấn/năm. Theo tính toán sản lượng XM tiêu thụ cả nước đạt khoảng 49,5 - 50 triệu tấn, trong đó VICEM tiêu thụ khoảng 19 triệu tấn. Để giải quyết vấn đề cung - cầu, nhiều nhà sản xuất đã hạ giá thành sản phẩm, một số nhà sản xuất khác tính đến chuyện xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu XM của Việt Nam hiện nay không phải là điều dễ do chi phí vận chuyển quá cao. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt đó, VICEM chủ động SXKD, phát huy lợi thế của thương hiệu số 1 Việt Nam bằng định hướng chiến lược cụ thể.
Xi măng VICEM xuất khẩu sang Băng La đét
Về SXKD, để đáp ứng nhu cầu clinker và XM, các Cty thành viên đã phát huy tối đa năng lực thiết bị, đặc biệt là lò nung và máy nghiền XM, bố trí lịch sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị hợp lý, rút ngắn thời gian sửa chữa sớm đưa các thiết bị vào hoạt động phục vụ sản xuất. Đồng thời triển khai áp dụng nhiều đề tài nghiên cứu áp dụng tiến bộ KHKT như: nâng cao chất lượng clinker, tăng năng suất lò nung, tăng tỷ lệ pha phụ gia, giảm định mức tiêu hao vật tư, duy trì ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm… cho ra lò sản phẩm XM chất lượng ổn định, độ dư mác cao.
Mặc dù được hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng VICEM vẫn giữ trọng trách trong việc dẫn dắt, bình ổn thị trường. Đây được xem là thuận lợi lớn nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ bởi thị phần của VICEM giảm do có nhiều thành phần XM khác tham gia. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào và các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng dầu liên tục tăng giá làm cho chi phí giá thành sản xuất bị đẩy lên cao nhưng các nhà sản xuất XM “không dám” tăng giá và VICEM cũng không phải ngoại lệ. Xác định thị trường là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, vì thế VICEM đã chuyển mô hình tiêu thụ sang mô hình nhà phân phối để tận dụng năng lực tiêu thụ của toàn xã hội. Tiếp tục hoàn thiện mô hình này và từng bước điều chỉnh cơ chế giá bán XM phù hợp theo cơ chế thị trường, thống nhất giá đầu nguồn, áp dụng khuyến mại kích thích và điều tiết thị trường nên công tác tiêu thụ được đẩy mạnh. Một số Cty của VICEM bước đầu khai phá thị trường Lào, Campuchia, Hải Nam (Trung Quốc) và Băng La Đét. Dù sản lượng xuất khẩu đang còn khiêm tốn (dưới 1 triệu tấn) nhưng VICEM đã sẵn sàng ứng phó mở rộng thị trường trong điều kiện cung vượt cầu.
Năm 2010, hàng loạt các dự án mới của VICEM đã đi vào hoạt động như: Hoàng Thạch 3, Bút Sơn 2, dây chuyền XM Bỉm Sơn mới, XM Bình Phước, trạm nghiền Phú Hữu, Long An… Như vậy, năm 2011 năng lực cung ứng XM cho thị trường của VICEM tăng lên đáng kể đồng nghĩa với việc áp lực cạnh tranh trên thị trường càng lớn. Với mục tiêu tạo lập một ngành công nghiệp cốt lõi, VICEM sẽ tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt như: XM, bê tông trộn sẵn, cốt liệu, bê tông đúc sẵn, VLXD không nung. Hiện nay, VICEM tiếp tục thi công theo kế hoạch dự án nhà máy XM Cam Ranh, XM Hà Tiên 2 - 2, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư, lập báo cáo DA đầu tư: Trụ sở mới VICEM, DA Khu tổng hợp Vĩnh Tuy và khu đô thị XM Hải Phòng.
Chuyển mình mạnh mẽ trong điều kiện mới, các thương hiệu XM của VICEM như: Hà Tiên, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Hải Phòng, Bút Sơn, Hoàng Mai, Tam Điệp đang dần thống nhất trong thương hiệu VICEM. Bước đầu thương hiệu VICEM đã định hình trên thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất XM VICEM vẫn là thương hiệu giữ ngôi số 1.
Học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Quan Hóa ngày khởi công công trình do VICEM tài trợ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao công tác quản lý điều hành cùng với việc tổ chức các phong trào thi đua VICEM đã thu được kết quả khả quan. Phong trào thi đua có bước phát triển mới về chất lượng và quy mô, các đơn vị tăng cường đoàn kết nhất trí, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, công đoàn và các đoàn thể quần chúng đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Các đợt thi đua liên ngành trên các công trình trọng điểm giúp các DA của VICEM về đích đúng hẹn.
VICEM đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tạo sự gắn kết cộng đồng bền vững dưới mái nhà chung VICEM như: Hội diễn Nghệ thuật toàn TCty tại Đà Nẵng, hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao… được phát triển với nội dung phong phú và đều khắp ở các đơn vị thành viên.
Không quên chia sẻ cho đời một phần cuộc sống của mình, trong năm 2010 VICEM đã có 40,7 tỷ đồng tham gia chương trình an sinh xã hội, quyên góp quỹ “Vì người nghèo”, ủng hộ đồng bào lũ lụt và hàng loạt các hoạt động từ thiện khác. Hiện, VICEM đã khởi công xây dựng hàng loạt công trình thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về “xóa nghèo bền vững” 3 huyện miền núi Thanh Hóa (Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh) và huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. VICEM cũng là đơn vị đứng thứ 2 trong cả nước về công tác này (sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam).
Với tất cả những gì đã và đang làm, VICEM xứng đáng giữ ngôi số 1 trong ngành công nghiệp sản xuất XM Việt Nam.
Năm 2010, VICEM sản xuất và tiêu thụ gần 19 triệu tấn XM, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2009. - Tổng doanh thu: 23.900 tỷ đồng bằng 113% năm 2009. - Lợi nhuận: 1.605 tỷ đồng, bằng 114% năm 2009. - Thu nhập bình quân toàn VICEM tăng 15% so với cùng kỳ. - Hoạt động từ thiện, an sinh xã hội 40,7 tỷ đồng |
Theo Báo Xây dựng điện tử