Đón “tết” trên cao độ 220m
Những cơn gió trên cao khiến cả công trường thủy điện Sơn La không khác gì một túi bụi khổng lồ. Từng đoàn xe CAT 40 tấn trông như những con dế trũi “ùn đất” ra khỏi hang, tiếng động cơ máy móc đua nhau gầm thét vang vọng cả bầu trời. Cả ngàn công nhân của Lilama 10, TCty Sông Đà, Licogi, Trường Sơn… như những chú kiến xanh, kiến vàng ngày đêm hăng say xây tổ.
Ngay cổng chính dẫn vào thủy điện Sơn La, một chiếc đồng hồ điện tử chạy lùi thời gian đã được lắp đặt. Ông Nguyễn Thế Trinh - Giám đốc Cty CP Lilama 10 chi nhánh Sơn La cho biết: “ Chỉ còn 112 ngày, nên phải tận dụng từng giây, từng phút. Hơn 2.000 anh em công nhân cũng như cán bộ, kỹ sư đang đêm ngày nỗ lực hết mình để tổ máy số 1 hoàn thành đúng tiến độ, hòa vào điện lưới quốc gia”. Phía bờ phải của đập thủy điện, phần đập tràn sừng sững hiện ra với 12 cửa xả đáy, cửa lấy nước đạt cao độ trên 196m, tuyến áp lực đã đổ bê tông bọc kín đường ống áp lực tổ máy số 1 và 2. Từ phía xa, dòng nước từ cửa xả 5, 6, 7 phụt lên không trung như những chùm pháo hoa giữa trời Tây Bắc.
“Nhớ nhà lắm chứ, nhưng tất cả vì dòng điện ngày mai cho Tổ quốc, bọn mình ở lại bám công trường. Pháo hoa mừng Tết độc lập với bọn tớ là những tia lửa ánh lên đủ màu sắc từ máy hàn huỳnh quang, hàn điện, hàn hơi đằng xa kia kìa”. Anh Nguyễn Văn Luận - Đội trưởng lắp máy 5, Cty CP Lilama 10 tâm sự.
Đứng trên cao độ 220m nhìn xuống, nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với 6 tổ máy đã hiện rõ tầm vóc. Hàng chục chiếc cần cẩu khổng lồ vươn mình vận chuyển hàng nghìn tấn thiết bị đưa vào lắp ráp các tổ máy. Hàng trăm công nhân trên đập không tràn lòng kênh thủy điện vẫn miệt mài bên công việc, đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ, từng giọt mồ hôi vẫn lăn đều trên khuôn mặt người thợ lắp máy. Trong phút nghỉ ngơi, bài hát Quốc ca vang lên trên chiếc di động, những người thợ trên cao độ 220m đứng nghiêm nhìn về lá cờ Tổ quốc, đôi mắt ánh lên niềm tin vì ngày mai dòng điện nơi đây - giữa núi rừng Tây Bắc sẽ tỏa sáng muôn nơi.
Khi trái tim của nhà máy thủy điện (hạ Rotor tổ máy số 1) hoàn thành, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những người lao động trên công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á được khẳng định, và thời điểm phát điện được đếm ngược từng ngày.
“Đón Tết độc lập nhưng không quên nhiệm vụ, lời ca tiếng hát át từng tiếng động cơ. Anh em công nhân hết sức phấn khởi, nên ai cũng hiểu rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát điện vào cuối tháng 12/2010”, ông Doãn Tuấn Vy - Chủ tịch Công đoàn Cty CP Lilama 10 cho biết.
Ánh mắt cười trên đại công trường
Những ánh sáng trên thủy điện Sơn La soi lấp lánh dòng sông Đà hùng vĩ. Những ánh mắt “cười” giao ca với người bạn thợ trên công trường, cái bắt tay nắm chặt những bàn tay mừng ngày chiến thắng. Có lẽ phải tận mắt chứng kiến chúng ta mới có thể hiểu hết niềm vui của những người thợ, họ cười, họ hát như quên đi mệt mỏi, quên đi cái ưu tư đời thường.
Dòng khẩu hiệu “Cán bộ công nhân công trình xây dựng thủy điện Sơn La quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát điện tổ máy số 1 đúng tiến độ”, vẫn đỏ rực trong lòng nhà máy. Khắc ghi vào mỗi công nhân một niềm tin vững chắc. Để bắt kịp chiến dịch “125 ngày đêm” phát điện tổ máy số 1 vào ngày 25/12/2010, hàng ngàn công nhân thay phiên nhau làm việc 3 ca. Ăn, nghỉ ngay tại công trường, phòng ăn với sức chứa hơn 300 chỗ hoạt động hết công suất, mỗi suất ăn ca là 15.000đ. Nhiều lán trại cơ động được dựng lên giữa đại công trường, những túp lều nhỏ treo leo ôm chặt lấy sắt thép như chạy đua với tiến độ.
“Cứ 5 người lại mang theo một can nước 10lít, được trang bị tận răng luôn, nói vui chứ muỗi có muốn đốt cũng chẳng đốt được”, anh Trần Văn Trung thợ hàn điện kể. Trên đường ống áp lực tổ máy số 3, những công nhân miệt mài giằng từng nút thắt, hoàn thiện từng mối hàn…
Thời tiết như thử lòng kiên trì người thợ, nắng nóng luôn vượt chỉ số dự báo của ngành khí tượng thủy văn, song tùy vào từng công việc cụ thể, mỗi đơn vị chưa ngừng một ngày lao động. Để rồi có nhiều hạng mục vượt tiến độ, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng, khi ấy những người thợ lại ngẩng cao đầu tự hào.
“Được nhận công tác ở đây, góp sức mình vào công trình thế kỷ, ai chẳng vui chẳng tự hào. Nhưng đồng nghĩa với nó là sự gian nan vất vả”, anh Võ Quyền - Đội trưởng đội Điện 2 chia sẻ. Chính vì vậy, giữa tiết trời ngày tháng 9 lịch sử, những công nhân kỹ sư lắp máy 10 đã gác lại “niềm vui” riêng của mình để cho niềm vui chung ngày một to lớn. Mỗi người một công việc, một mái ấm, một quê hương nhưng đều chung một ý chí quyết tâm vì dòng điện ngày mai bừng sáng. “Chả tính được chú ạ, nhiều công nhân già như mình gắn bó cả cuộc đời với công trình, tính gộp tất cả những ngày về phép chỉ gần vợ, gần gia đình 3/4 năm thôi”, chú Vũ Đình Hoàng 51 tuổi tâm sự.
Trên đường đua tiến độ, tưởng chừng như chỉ dành cho những đôi bàn tay sạm đen, sần sùi của công nhân kỹ sư nam giới nhưng ở đây lại không hiếm những “bóng hồng yêu bê-tông sắt thép”. Họ hăng say lao động như hàng nghìn nam công nhân đang phơi mình trên công trình thế kỷ. Chị Nguyễn Thị Minh - Thủ kho Lắp máy 4, quê ở Hòa Bình cười, “ đã đến đây rồi, không phân biệt gì hết, phải yêu nghề thì mình mới thấy tự hào, khi đó sự vất vả chỉ là bề ngoài thôi”. Trải qua hơn chục công trình từ Nhiệt điện Uông Bí, rồi thủy điện Yaly… giờ thì tạm nghỉ chân tại thủy điện Sơn La.
Màn đêm buông xuống, công trường rực sáng như tỏa ánh hào quang, dưới ánh điện hàng nghìn công nhân vẫn miệt mài làm việc trên những khối bê-tông đồ sộ. Không ai nói ra nhưng phải chứng kiến cuộc sống của công nhân nơi đây, mới hiểu hết được tình yêu công việc đã níu chân họ, không xa được từng nhịp thở trên công trường cho dù phía trước cuộc sống còn muôn vàn khó khăn. Tạm biệt anh em công nhân trên công trường thủy điện Sơn La, cái bắt tay nồng ấm siết chặt thể hiện một khí thế sục sôi, ánh mắt tự tin, phấn khởi cùng niềm tự hào vì dòng điện “vàng” của Tổ quốc.
Theo Báo Xây dựng điện tử