Riêng các doanh nghiệp, chủ yếu là các tập đoàn và tổng công ty, đã hỗ trợ các huyện nghèo trên 1.600 tỷ đồng.
Như vậy, bước đầu, bình quân mỗi huyện nghèo được đầu tư 172 tỷ đồng.
Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các chương trình, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ lao động mất việc làm, giải quyết tranh chấp lao đông, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm số lao động mất việc làm. Nhờ đó, trên 80% lao động mất việc làm đã tìm được việc làm mới.
Đáng chú ý, riêng năm 2009, đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 được thí điểm tại 6 tỉnh, đã tuyển chọn đào tạo ngoại ngữ và học nghề cho 3.500 lao động, đưa 2.500 lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài.
Các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ về nhà ở đối với các hộ nghèo.
Không chỉ giúp người dân ở các huyện nghèo, các bộ, ngành chức năng và các địa phương trong cả nước còn triển khai thực hiện các cơ chế chính sách giúp các đối tượng nghèo khác, cả ở nông thôn và thành thị, như phát triển nhà ở cho sinh viên, xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp giá rẻ, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các khu vực đô thị.
Từ kết quả đạt được của năm 2009, năm 2010, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai nhanh và có hiệu quả Chương trình giảm nghèo tại 62 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, đi đôi với việc giảm tỷ lệ nghèo và chống tái nghèo ở các vùng khác./.
Theo TTXVN/Vietnam+