Xi măng Hạ Long: Góp phần cân đối cung cầu phía Nam

Thứ tư, 28/10/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dự án Xi măng Hạ Long do Cty CP Xi măng Hạ Long làm chủ đầu tư với hai cổ đông chiến lược là TCty Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, bao gồm nhà máy chính công suất 5.500 tấn clinker/ngày, tương đương 2,07 triệu tấn xi măng PCB40/năm và Trạm nghiền phía Nam nhận clinker từ nhà máy chính để sản xuất 1,22 triệu tấn xi măng PCB40/năm. Xi măng Hạ Long được sản xuất bằng lò quay theo phương pháp khô với thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, đồng bộ của Đan Mạch do Tập đoàn F.L.Smidth cung cấp với mức tiêu hao điện năng thấp, thân thiện với môi trường, các chỉ tiêu về độ ồn, chất thải rắn, nước thải phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam và các tiêu chuẩn của thế giới. Dây chuyền sản xuất được điều khiển hoàn toàn tự động và quản lý chất lượng chặt chẽ từ khâu nhập nguyên nhiên liệu đến khâu thành phẩm, do đó có thể đảm bảo cung cấp cho thị trường sản phẩm xi măng chất lượng cao. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các công trình, dự án của TCty Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, xi măng Hạ Long còn được đưa ra thị trường thông qua 43 nhà phân phối uy tín trên toàn quốc nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và dành một phần tài sản lượng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Dự án xi măng Hạ Long nằm trong danh mục các dự án trọng điểm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến 2020, có vị trí địa lý thuận lợi nhất Việt Nam hiện nay với nhà máy chính tại Quảng Ninh gần nguồn nguyên liệu đá vôi, đất sét, than có trữ lượng phong phú và chất lượng tốt. Dự án xi măng này gần cảng biển có thể tiếp nhận tàu tải trọng 20.000 DWT vận chuyển hàng hoá với khối lượng lớn, góp phần giảm giá thành sản phẩm và có lợi thế trong việc xuất hàng trực tiếp đi thị trường quốc tế . Trạm nghiền phía Nam nằm trên địa bàn TP.HCM với công suất trên 1,2 triệu tấn/năm góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, cân đối cung cầu xi măng phía Nam trong điều kiện hàng năm phải vận chuyển từ 12 - 12,5 triệu tấn xi măng từ miền Bắc vào do năng lực sản xuất tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu.

Trung tướng Trần Hoa, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ xây dựng đường phòng thủ biên giới và các đường xương cá nhằm mục đích củng cố quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nghèo dọc biên giới, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã nghiên cứu và khẩn trương triển khai các dự án trên bằng đường bê tông xi măng. Xi măng Hạ Long với dây chuyền công nghệ hiện đại, đồng bộ của Đan Mạch, được sự hỗ trợ toàn diện của hai cổ đông chiến lược là TCty Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, là đối tác tin cậy được Bộ Tư lệnh Biên phòng hợp tác cùng triển khai thực hiện các dự án trên cũng như đưa sản phẩm xi măng Hạ Long vào các công trình của Bộ Tư lệnh Biên phòng thông qua các nhà phân phối của xi măng Hạ Long tại các địa phương nơi triển khai dự án, đồng thời xi măng Hạ Long còn có vị trí chiến lược trong mặt trận quốc phòng toàn dân bên cạnh việc đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)