Di chúc Bác Hồ mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi

Thứ tư, 02/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Lời tòa soạn: "Thời gian càng lùi xa, suy ngẫm những lời dặn lại đồng chí, đồng bào trước lúc đi xa của Bác Hồ, đối chiếu với những gì đã và đang diễn ra trong hiện thực đời sống đất nước, thế giới… càng cảm nhận sâu sắc và thấm thía khôn cùng tầm cao tư tưởng, tầm tổng kết, dự báo, định hướng thiên tài trong Di chúc của Bác...". Nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo Hànộimới trân trọng trích đăng bài viết của GS-TS Phùng Hữu Phú, UV TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ tại hội thảo khoa học "40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Ngày 13-5-1968, vào lúc 9 giờ sáng, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian hiếm hoi giữa bộn bề việc dân, việc nước để xem lại tập tài liệu “Tuyệt đối bí mật” và viết thêm một đoạn về việc chăm lo hạnh phúc đối với con người.

Sau khi căn dặn những công việc thiết yếu cần phải làm khi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn, Người nhấn mạnh: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Nhìn lại chặng đường 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, cùng với niềm vui thắng lợi, niềm tin về những nhân tố mới mẻ, tốt tươi đang ngày càng nở rộ, chúng ta còn ân hận vì nhiều việc chưa làm tròn theo lời Bác căn dặn, nhiều điều cũ kỹ, hư hỏng vẫn đang tác oai tác quái trong đời sống thường ngày. Trong quá trình phát triển, chúng ta phải tự đấu tranh để vượt lên và chiến thắng sức ỳ và những tật bệnh từ trong Đảng, nhức nhối nhất là sự hư hỏng, thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên - lực cản làm cho tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội chậm lại và khó khăn hơn. Ngay từ năm 1958, khi miền Bắc bắt tay vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, Bác Hồ đã cảnh báo nguy cơ tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều, hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, thói quen… Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển (…). Chủ nghĩa cá nhân là một thứ gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc”.

Trong 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, cách mạng nước ta đã trải qua nhiều bước ngoặt; từ chiến tranh chuyển sang hòa bình; từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ xây dựng nền kinh tế chủ yếu hướng nội chuyển sang chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Mỗi bước chuyển là một thử thách đối với Đảng, đối với từng cán bộ, đảng viên. Nhìn chung, tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên thể hiện sự vững vàng về chính trị, sự trong sạch về đạo đức, lối sống, song, một bộ phận, do không chịu rèn luyện, phấn đấu, do tác động hằng ngày của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế… đã để cho chủ nghĩa cá nhân phát triển, trượt dài trong sự tha hóa. Chủ nghĩa cá nhân, như Bác Hồ đã chỉ rõ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí; người mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa làm việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, không nghĩ gì đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân được kết hợp với chủ nghĩa cơ hội càng trở nên tinh vi, gian xảo và nguy hại hơn. Nếu chúng ta không kiên quyết chặn đứng, đẩy lùi sự suy thoái đang diễn ra trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước thì sẽ dẫn đến nguy cơ làm biến chất, đe dọa sự sống còn của chế độ, độc lập và an ninh của Tổ quốc. Cuộc đấu tranh để chiến thắng cái cũ kỹ, hư hỏng từ trong Đảng để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ, lâu dài, nhiều day dứt và cả đau đớn, bởi lẽ nó đang và còn sẽ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta.

Trong bản Di chúc bất hủ, Bác Hồ đã đúc kết những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý báu nhất của cách mạng nước ta, cốt lõi nhất là bài học xây dựng, bồi đắp mối quan hệ máu thịt ĐẢNG - NHÂN DÂN, xem đây là nền tảng tạo nên sức mạnh của cách mạng, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ xã hội mới.

Người nhấn mạnh ba điều cốt tử:

Đảng phải đoàn kết chặt chẽ, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; phải một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, Đảng phải thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân; mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Đảng phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Có thể xem ba điều cốt tử nói trên là ba trụ cột của mối quan hệ sống còn  ĐẢNG - NHÂN DÂN, có ba trụ cột này, như Bác Hồ khẳng định, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.

Chúng ta kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ trong bối cảnh đất nước sau hơn 20 năm đổi mới đang trên đà phát triển với thế và lực mới, đồng thời đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu. Chưa bao giờ những lời căn dặn, đúc kết, tiên liệu của Bác Hồ lại thấm thía, sâu sắc, thiết thực đối với chúng ta như trong những ngày tháng này.

Tiếp tục thực hiện Di chúc Bác Hồ, chúng ta quyết tâm:

Chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững; tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, bảo đảm an sinh xã hội và những yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường;

Tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện có kết quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế vì hòa bình, hợp tác, phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc;

Đẩy mạnh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực trong Đảng, trong xã hội; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân, chuẩn bị thật tốt về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc tiến hành thắng lợi đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Làm tốt những công việc này chính là bồi đắp ba trụ cột có ý nghĩa nền tảng của mối quan hệ máu thịt ĐẢNG - NHÂN DÂN theo tư tưởng Bác Hồ, tạo ra sức mạnh vô địch đưa đất nước ta, dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiến nhanh, tiến mạnh vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI.

Cuộc đấu tranh chống lại cái cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi trên đất nước chúng ta là một quá trình lâu dài, liên tục, mỗi thời kỳ, giai đoạn cách mạng lại mang những sắc thái mới, những yêu cầu, thách thức mới nhằm đạt được những thành tựu mới, xây những nấc thang vững chắc đi tới mục tiêu lý tưởng. Dù gian nan, phức tạp, nhiều khó khăn, thử thách, tiến theo ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sẽ thành công.

Di chúc Bác Hồ mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi.

Theo Hà Nội Mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)