Ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước

Thứ tư, 26/08/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN), tạo khung pháp lý thống nhất về quy hoạch, thành lập, mở rộng, đầu tư và quản lý nhà nước đối với các CCN trên cả nước.

Các CCN sẽ được thành lập, hoạt động theo quy chế chung áp dụng trên phạm vi cả nước

Theo đó, những lĩnh vực, ngành nghề, cơ sở sản xuất được khuyến khích đầu tư trong CCN gồm: công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các ngành công nghiệp phụ trợ; cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm cần di dời ra khỏi làng nghề, khu dân cư...

Thành lập CCN khi đạt tỷ lệ lấp đầy 30% trong 1 năm

CCN được thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện: có trong Quy hoạch phát triển CCN đã được phê duyệt; có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và có khả năng đạt tỷ lệ lấp đầy không thấp hơn 30% trong vòng 1 năm sau khi thành lập. Đây là các điều kiện rất cần thiết để khuyến khích sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất của từng địa phương, đảm báo tính khả thi của CCN, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

CCN sẽ được mở rộng khi có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện, đáp ứng nhu cầu mở rộng CCN; nhu cầu thuê đất công nghiệp trong CCN vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của CCN; đã đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% và đã có công trình xử lý nước thải tập trung đối với CCN có diện tích từ 15 ha trở lên.

Trong giai đoạn thành lập, mở rộng CCN, phải lựa chọn đơn vị kinh doanh hạ tầng. Trường hợp không có đơn vị kinh doanh hạ tầng thì Trung tâm phát triển CCN là đơn vị thực hiện chức năng này.

Các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN liên hệ với đơn vị kinh doanh hạ tầng để được hướng dẫn về quy hoạch, bố trí ngành nghề, giá đất, nhà xưởng trong CCN và ký kết hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc về vị trí, địa điểm, diện tích đất công nghiệp dự kiến thuê để triển khai dự án đầu tư vào CCN.

Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiện vụ quản lý nhà nước đối với các CCN trên địa bàn.

Thông tin tham khảo: Theo Bộ Công Thương, tổng số các CCN do UBND cấp tỉnh có chủ trương xây dựng và phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 khoảng 1.643 CCN với tổng diện tích gần 73.000 ha.

Tuy nhiên, hầu hết các CCN ở các địa phương được hình thành do nhu cầu cấp thiết về mặt bằng và giải quyết ô nhiễm môi trường nên thiếu quy hoạch phát triển chung và quy hoạch xây dựng chi tiết để làm cơ sở đầu tư xây dựng cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các địa phương tùy thực tế mà ban hành những quy định riêng để quản lý CCN trên địa bàn; do vậy, việc quản lý thiếu thống nhất, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Thiếu cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách chưa rõ ràng nên việc huy động vốn đầu tư không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển các CCN. Vì vậy, Quy chế này ban hành sẽ tạo khung pháp lý thống nhất về thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với các CCN trên phạm vi cả nước. (Báo Kinh tế và Đô thị)

 

Theo: www.chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)